Bất ngờ!

Bất ngờ!
TP - “Vào khoảng 4 giờ 30 phút 15-4, tại khu vực xóm Khuân I, xã Phục Linh (Đại Từ), bất ngờ hàng nghìn mét khối đất đá từ khu bãi thải của Mỏ than Phấn Mễ (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) đã bị sạt lở, vùi lấp toàn bộ nhà cửa của 10 hộ dân…”.

Đó là lời mào đầu của bài báo có tựa đề “Sạt lở bãi thải Mỏ than Phấn Mễ: Khẩn trương cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả” trên trang web của báo Thái Nguyên, thuộc địa phương vừa xảy ra vụ tai nạn khiến một người tử vong còn năm người khác vẫn mất tích và khó có cơ hội sống sót.

Bất ngờ, như nhiều việc đã từng diễn ra, là thái độ của lãnh đạo của các cấp chính quyền địa phương, của lãnh đạo mỏ than Phấn Mễ. Và cũng có thể cũng là tình cảnh của các hộ dân gặp nạn. Nhưng riêng với họ, cũng còn một khả năng nữa: dù biết là nguy hiểm nhưng biết đi đâu?

Chỉ có điều, sự “bất ngờ” của các cấp chính quyền, của lãnh đạo mỏ than trong trường hợp này rất giống sự tắc trách. Bởi khu vực bãi thải đất đá của mỏ than Phấn Mễ từ nhiều năm nay được coi là nguy hiểm về tình trạng trượt, lở đất của tỉnh Thái Nguyên. Ở khu vực này, ngay dưới chân taluy có nguy cơ sạt lở là nhà cửa của người dân trong khi đất đá, rộng tới 3ha thải từ các công trường cứ ngày một được chất cao như núi, theo mô tả của một bản tin trên TTXVN.

Với thời gian tồn tại lên đến hàng chục năm và nguy cơ hiển hiện bằng trực quan đã đủ lo lắng và chính quyền địa phương cũng đã có phương án di dời, nhưng “do nhiều nguyên nhân”, theo lời tờ báo của tỉnh Thái Nguyên, mà việc này chưa triển khai. Đáng nói hơn nữa là người dân xóm Khuân I từng nhiều lần đề nghị mỏ than Phấn Mễ dừng xả thải, họp dân để bàn giải pháp an toàn nhưng “chưa được chấp thuận”, vẫn theo bản tin online của báo Thái Nguyên.

Các bản tin trên báo, truyền hình địa phương nói, ngay sau sự việc xảy ra, lãnh đạo tỉnh, công an, quân đội và mỏ than Phấn Mễ đã “khẩn trương triển khai các biện pháp cứu hộ”, “tập trung” tìm kiếm những người mất tích. Phải nói là rất nhanh chóng, rất khẩn trương. Nhưng việc lẽ ra cần “nhanh chóng”, “khẩn trương” thực hiện gần mười năm trước là di dời dân hoặc có biện pháp bảo đảm an toàn trước khi đổ thải đã không được thực thi kịp thời và cái giá phải trả là 5-6 mạng người vô tội.

Vụ tai nạn này xảy ra đúng một năm sau vụ sập mỏ đá Lèn Cờ (xã Nam Thành, Yên Thành, Nghệ An) làm 18 người thiệt mạng. Trong vụ tai nạn Lèn Cờ, sự tắc trách và buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng cộng thêm thói hám lợi quá mức của chủ mỏ đá đã dẫn đến cảnh tang thương cho bao gia đình. Nhưng dường như các cơ quan chức năng ở Thái Nguyên, lãnh đạo mỏ than Phấn Mễ không rút ra được bài học gì từ câu chuyện ở mỏ đá Lèn Cờ.

Xin được tạ lỗi với những người thiệt mạng để được nói một câu rằng, những tai nạn kiểu này xét ra không có gì bất ngờ cả, nó là hệ quả tất yếu của cả một chuỗi những sự bất ngờ về trách nhiệm, chức phận và đạo đức công bộc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG