Xét xử vụ Liên Kết Việt:

Bất ngờ mô hình đa cấp phát triển quá nhanh

Lê Xuân Giang bị xác định cầm đầu đường dây đa cấp lừa đảo 68.000 người
Lê Xuân Giang bị xác định cầm đầu đường dây đa cấp lừa đảo 68.000 người
TP - Chủ tịch của Liên Kết Việt khẳng định đã bất ngờ khi mô hình kinh doanh đa cấp của mình mở rộng một cách ngoài sức tưởng tượng. Việc này khiến bị cáo lúng túng, không biết cách kiểm soát.  

Ngày 22/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong vụ án Cty Liên Kết Việt lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1.121 tỷ đồng của 68.000 bị hại. Tại tòa, bị cáo Lê Xuân Giang - Chủ tịch Liên Kết Việt khai từ năm 2014, doanh nghiệp này được cấp giấy phép kinh doanh đa cấp nên đã đưa ra chương trình, khách hàng nộp 7 triệu đồng sẽ nhận được máy khử trùng và thực phẩm chức năng đồng thời hưởng tiền hoa hồng. Bị cáo này thừa nhận Liên Kết Việt đã làm giả bằng khen của Thủ tướng; cố tình đặt tên công ty sản xuất trực thuộc là BQP đồng thời thường xuyên mặc quân phục, tiến hành nghi lễ quân đội tại các buổi gặp khách hàng… khiến mọi người nghĩ Liên Kết Việt hợp tác với Bộ Quốc phòng.

Tuy nhiên, Giang phủ nhận việc mặc quân phục để lừa đảo và giải thích bản thân từng đi bộ đội 11 năm, xuất ngũ với quân hàm trung úy. Bị cáo này nói việc hát quốc ca, cử hành nghi lễ quân đội chỉ nhằm: “Thể hiện niềm tự hào và vinh dự, sự tôn trọng và tin tưởng của tôi với những người lính”. Cũng theo Lê Xuân Giang, ban đầu Liên Kết Việt chỉ có vài trăm khách nhưng hệ thống đa cấp này mở rộng quá nhanh. “Công ty phát triển quá nhanh, ngoài trình độ quản lý và sức tưởng tượng. Bị cáo lúng túng không biết cách kiểm soát”, Giang nói.

Cũng tại tòa, bị cáo Nguyễn Thị Thủy - Phó GĐ Liên Kết Việt khai được Lê Xuân Giang - Chủ tịch Liên Kết Việt mời về làm. Thủy bị xác định là người cầm đầu nhóm  phát triển mô hình kinh doanh đa cấp của công ty từ tháng 4/2014 đến cuối 2015. Với mỗi khách đăng ký mã hàng 7 triệu đồng, Thuỷ được trích hưởng 90.000 đồng. Tổng cộng đã được nhận 38 tỷ đồng trong 17 tháng, trung bình mỗi tháng nhận 2,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, bị cáo này phủ nhận cáo buộc, nói chỉ có nhiệm vụ trả lời khách hàng về sản phẩm, chính sách trả thưởng. Trước câu hỏi tại sao chỉ tư vấn nhưng hưởng lợi nhiều, Thủy nói nhận tiền theo “chính sách của công ty” đồng thời nói mình không lãnh đạo ai.

“Công ty phát triển quá nhanh, ngoài trình độ quản lý và sức tưởng tượng. Bị cáo lúng túng không biết cách kiểm soát”. 


Bị cáo Lê Xuân Giang

Ngược lại, các thành viên trong ê kíp gồm 4 bị cáo Vũ Thị Hồng Dung, Nguyễn Xuân Trường, Lê Thanh Sơn và Trịnh Xuân Sáng đều xác nhận Thủy là trưởng nhóm, chỉ đạo toàn bộ ekip. Trong đó, bị cáo Vũ Hồng Dung khẳng định mình không lôi kéo, chỉ giảng dạy mọi người, khách hàng cách “tin và yêu cuộc sống”. Tuy nhiên, Dung được hưởng tới 4 tỷ đồng trong 13 tháng vì những “bài giảng” này. “1.285 ngày ngồi trong trại tạm giam, tôi luôn ân hận… Tôi phạm tội khách quan, không biết Giang và Liên Kết Việt lừa đảo cho đến khi bị bắt” - bị cáo Dung nói.

Tiếp đến, bị cáo Nguyễn Xuân Trường khai là người xây dựng nội dung và thuyết trình về phương pháp kinh doanh, chế độ hoa hồng của Liên Kết Việt với các bị hại mỗi tuần khoảng 3 buổi, mỗi buổi có quy mô 1 - 2 nghìn người tham dự. Trường bị cáo buộc đã hưởng lợi 4 tỷ đồng trong 13 tháng. Tuy vậy, bị cáo phủ nhận việc thuyết trình sai lệch về công ty và chính sách trả thưởng, nói: “Tôi còn khuyên khách hàng, chỗ nào kinh doanh đa cấp phải cảnh giác vì thế là lừa đảo” - bị cáo nói. Chủ tọa yêu cầu: “Bị cáo khẳng định nội dung thuyết trình đúng, vậy ngay tại đây có thể tái hiện lại không?”. Trước yêu cầu này, Trường nói bị giam lâu, không được luyện tập và cũng không nhớ.

MỚI - NÓNG