Bất ngờ kiểm tra phòng khám 'ngoại', sai phạm chất đống

PKĐK Nguyễn Trãi không lưu bệnh án chi tiết mà chỉ ghi qua loa bệnh án ban đầu.
PKĐK Nguyễn Trãi không lưu bệnh án chi tiết mà chỉ ghi qua loa bệnh án ban đầu.
TPO - Sáng ngày 27/4, Bộ trưởng Bộ Y tế  Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đoàn bất ngờ kiểm tra một số phòng khám (PK) tư nhân có yếu tố nước ngoài tại TPHCM. Trong buổi kiểm tra đột xuất này, nhiều sai phạm bị phát hiện.

Hỏi gì cũng không có

Tại phòng khám đa khoa (PKĐK) Nguyễn Trãi (277 Nguyễn Trãi, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1), Bộ trưởng Bộ Y tế hết sức bất ngờ khi hỏi vấn đề gì tại PK này cũng đều không có, từ hồ sơ lưu bệnh đến bác sĩ (BS). Cụ thể, tại đây không lưu bệnh án chi tiết, không chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh gì mà chỉ ghi chung chung là ngoại khoa. Khi đoàn yêu cầu kiểm tra toàn bộ hồ sơ bệnh án của ngày 26/4, bệnh án chỉ ghi họ tên của bệnh nhân, không có địa chỉ; trong mục chẩn đoán đều ghi là ngoại khoa, không ghi cụ thể bệnh gì, mức độ bệnh ra sao, nghiêm trọng hơn không có phác đồ điều trị.

Kiểm tra rất nhiều phòng khám ở đây thì không có mặt bác sĩ, nhân viên, lại không dùng sổ khám bệnh, hỏi bệnh án thì cũng không có. PK trải rộng 6 tầng nhưng trang thiết bị hạn chế, thậm chí thậm chí phòng xét nghiệm sinh hoá cũng không có máy móc xét nghiệm.

Được biết phòng khám này có 2 bác sĩ Trung Quốc đến khám. Theo báo cáo, PK này có 5 chuyên khoa gồm nội, ngoại, sản, tai mũi họng, y học cổ truyền. Tuy nhiên, trên website chính thức của phòng khám quảng cáo điều trị chủ yếu các bệnh trĩ, bệnh xã hội, nam khoa, phụ khoa với giá từ 20 – 30 triệu đồng. Bộ trưởng Tiến đã yêu cầu thanh tra Sở Y tế TP.HCM chấn chỉnh các sai phạm.

Tại Phòng khám đa khoa quốc tế Raffles Medical (167A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3). Đây là phòng khám có chi nhánh tại Vũng Tàu với 8 phòng khám, tiếp nhận khám cả đối tượng có bảo hiểm nước ngoài, khám sức khỏe xin visa. Giá khám tại đây khoảng 2 triệu đồng/lượt. Trung bình mỗi ngày khám từ 30 - 40 lượt bệnh nhân với cơ số 31 bác sĩ, 14 điều dưỡng. Trước đó năm 2016, phòng khám đã bị phạt 8 triệu đồng vì thiếu bác sĩ trong tiếp nhận khám sức khỏe tổng quát.

Bất ngờ kiểm tra phòng khám 'ngoại', sai phạm chất đống ảnh 1

Phòng xét nghiệm của PKĐK Nguyễn Trãi trống trơn máy móc

TS.BS Bùi Minh Trạng – Chánh thanh tra Sở Y tế TP cho biết, năm 2016, tổng số tiền phạt cho 14.000 cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn TP là 10 tỷ. Riêng 16 phòng khám Trung Quốc số tiền phạt lên đến 1,1 tỷ đồng, chiếm hơn 10%. Đó chỉ là bề nổi, còn những sai phạm, bệnh nhân chịu thiệt thòi nhưng không dám lên tiếng rất nhiều.

100% cơ sở tư nhân vi phạm

Làm việc với Bộ Y tế và UBND TP chiều ngày 27/4, ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, tính đến thời điểm này, Sở đã cấp 37.500 chứng chỉ hành nghề. TPHCM hiện có 47 bệnh viên (BV) tư, có 196 PKĐK tư nhân, trong đó có 21 PKĐK có liên quan đến yếu tố nước ngoài. Có 12 PKĐK đăng ký người hành nghề với quốc tịch Trung Quốc, 9 PKĐK còn lại đăng ký người hành nghề với các quốc tịch khác. Có 152/196 PKĐK nộp hồ sơ và được Sở Y tế thẩm định duyệt danh mục kỹ thuật khám chữa bệnh; 356 PKCK nhạy cảm như sản phụ khoa, răng hàm mặt, phẫu thuật thẩm mỹ, da liễu đăng ký và được phê duyệt danh mục kỹ thuật.

Trong năm 2016, Sở đã xử phạt 790 cơ sở với tổng số tiền trên 9,5 tỷ đồng. Riêng PKĐK có 24 cơ sở vi phạm, 4 cơ sở bị tước giấy hoạt động; PK có yếu tố nước ngoài, khi kiểm tra 14 cơ sở thì cả 14 đơn vị này đều vi phạm, trong đó có 2 cơ sở tước giấy phép hoạt động.

4 tháng đầu năm 2017, Sở kiểm tra 34 cơ sở thì cả 34 cơ sở này đều vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng. Về PKĐK, kiểm tra 11 cơ sở, phát hiện 10 cơ sở vi phạm hành chính, 1 cơ sở bị đình chỉ hoạt động; PK có yếu tố nước ngoài, kiểm tra 7 PK thì 6 cơ sở vi phạm, trong đó 1 cơ sở bị đình chỉ hoạt động.

Theo lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, các PKĐK nói chung và PK có yếu tố nước ngoài nói riêng, đa số đều có chủ đầu tư là người nước ngoài hoặc người không có chuyên môn trong lĩnh vực y tế. Trình độ chuyên môn của người phiên dịch chưa đảm bảo; chuyên môn của BS nước ngoài còn chung chung; chưa có quy trình chuẩn, phác đồ điều trị tại các PKĐK. BS VN chịu trách nhiệm chuyên môn tại PK nhưng trên thực tế không được thông tin về các bệnh nhân hay trao đổi về các bệnh nhân vì rào cản ngôn ngữ.

Theo Sở Y tế, có nhiều khó khăn trong việc quản lý PKĐK. Cụ thể là một số vi phạm chưa có điều khoản áp dụng xử phạt như kê toa trong điều trị ngoại trú, cung cấp dịch vụ vượt quá danh mục kỹ thuật; các thủ thuật, xét nghiệm do PK thực hiện không được quy định trong thông tư của Bộ Y tế (xử lý dây hãm, xét nghiệm dịch niệu đạo, dịch bao quy đầu…); hành vi “vẽ bệnh”, “hù dọa” để thực hiện thêm các thủ thuật so với chẩn đoán và điều trị ban đầu, chỉ định điều trị không phù hợp chẩn đoán…

“Qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy PKĐK liên quan đến yếu tố nước ngoài có hiện tượng đối phó với đoàn thanh – kiểm tra như gắn camera theo dõi, báo động từ xa; trì hoãn, kéo dài thời gian để BS và nhân viên tìm cách đối phó; lập, ghi hồ sơ sơ sài, ghi bằng ngôn ngữ khác không phải tiếng Việt” – ông Nguyễn Tấn Bỉnh nói – Giám đốc Sở Y tế TPHCM nói.

Từ những sai phạm trên, ông Bỉnh yêu cầu tất cả các PKĐK phải khắc phục ngay các tồn tại. “Sở sẽ tiếp tục tái kiểm tra, đánh giá các hoạt động liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh tại các PK trong những đợt tiếp theo. Nếu PK vẫn không chấn chỉnh sẽ bị xử lý theo quy định. Sở Y tế cũng yêu cầu Phòng y tế quận, huyện tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động đối với các PKĐK trên địa bàn dựa trên kết quả kiểm tra, đánh giá chất lượng của Sở Y tế” – ông Bỉnh nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".