Rạng sáng 12/4, trên đường Trần Hưng Đao, sương mù dày đặc, người cách người, xe cách xe chỉ vài mét cũng khó nhìn thấy nhau.
Cái mênh mông sương khói phảng phất trên mặt Hồ Xuân Hương, trên những ngọn đồi bao phủ bởi những rặng thông già xanh ngắt.
Làn sương trắng khoác “chiếc áo” ma mị cho những ngôi biệt thự lẩn khuất giữa rừng. Không phải ngẫu nhiên khi cả người Pháp, người Mỹ và bây giờ là giới nhà giàu Việt Nam đều chọn Đà Lạt làm nơi nghỉ dưỡng và cho xây hàng ngàn biệt thự theo kiến trúc châu Âu.
Đến khoảng 7 giờ 30’, những tia nắng mong manh mới có thể xuyên qua làn sương mờ, mang lại cảm giác ấm cúng và nhẹ nhàng. Những trảng cỏ ngậm sương long lanh đẹp khó tả.
Chợt nhận ra một nửa mùa sương mù Đà Lạt đã lặng lẽ trôi qua trong khi mọi người đang chật vật ứng phó với "con Covy". Mùa sương mù ở thành phố này thường bắt đầu vào tháng 3, khi những mùa mai anh đào, mimosa… dần trôi qua, và kết thúc vào tháng 5 khi mùa mưa đến.
8 giờ sáng, tôi gọi điện cho người bạn là tay săn ảnh có tiếng ở Đà Lạt. “Đang ở đâu đó?”- tôi hỏi. “Chụp sương mù ở Núi Hòn Bồ”- anh bạn đáp. “Đi với ai?”- tôi thăm dò. “Đùa đấy. Mùa Covy sao dám tụ tập đi chụp ảnh!”- giọng anh có vẻ buồn.
Ở Đà Lạt, vào thời điểm này những năm trước, ai muốn đi “săn” sương thì 4 giờ sáng, cứ ra các quán cà phê Hoàng Việt, Xuân Phương… là tìm được bạn đồng hành.
Trên miền đất cao nguyên, vị trí càng cao thì khung cảnh càng huyền ảo, do đó các địa danh Lang Biang, Hòn Bồ, Du Sinh, Đạ Sar, K’long K’lanh… là những địa điểm đắc địa trong hành trình “săn” sương.
Khi đã mãn nhãn với những đỉnh cao vời vợi, các tay săn ảnh lại rủ nhau xuống hồ, mai phục cảnh ngư ông cất vó trong khói sương mờ ảo.
Những bạn mới chập chững vào nghề được đàn anh truyền kinh nghiệm phơi sáng tốc độ chậm khi chụp cảnh sương mù. Phơi phóng từ tờ mờ sáng đế bình minh thể nào cũng có những bức ảnh ưng ý.