Tranh Hàng Trống của Linh 'bà già'

Ca sỹ Hoàng Thùy Linh
Ca sỹ Hoàng Thùy Linh
TP - Riêng việc Hoàng Thùy Linh không tham gia vào trào lưu đẩy lùi “Cô Vy” bằng ca khúc, đã là điều đáng mừng. Bởi hiện nay mảng ca khúc xua đuổi “Cô Vy” đã, đang tăng lên tới độ sắp gây bội thực. Thay vào đó, Linh làm việc ý nghĩa hơn cho chính cô và khán giả, “tung” MV mới với cảm hứng từ tranh dân gian Hàng Trống.

Hoàng Thùy Linh và ê kíp khá thông minh, giàu sáng tạo. Họ chẳng cần “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”, cứ “đào” trong  kho tàng văn nghệ nước nhà đã làm được những sản phẩm vừa ăn khách, vừa được tiếng yêu văn học, văn hóa dân gian Việt Nam. Một mũi tên trúng hai đích. Còn gì bằng? Chẳng trách, cô “ẵm” đủ giải thưởng, từ Giải Làn Sóng Xanh tới Giải Âm nhạc Cống hiến.

MV mới của Hoàng Thùy Linh có tên: “Kẻ cắp gặp bà già”. Ai cũng biết đây là một câu thành ngữ. Song nội dung của ca khúc mới không liên quan tới yếu tố dân gian, hoàn toàn sử dụng ngôn ngữ hiện đại, diễn tả câu chuyện yêu đương của những người trẻ tuổi: “Có phải anh đang trêu đùa em đấy không? Thả thính khiến bao nhiêu cô cùng rung động/Chỉ muốn em say anh vậy thôi đúng không? Sự thật đây nhiều khi làm anh sẽ mất lòng..”. Từ lời ca khúc giản đơn, gần với lời ăn, tiếng nói hàng ngày của người trẻ tuổi, Hoàng Thùy Linh và ê kíp đã hô biến thành một MV sử dụng chất liệu dân gian làm nền. Thật táo bạo!  Hãy nghe cô nói về “đứa con” mới sinh: “Tôi muốn kể về cuộc chiến của Hoàng hậu và Vua, trên một ván cờ quyền lực nhưng lại có đích đến cuối cùng là tình yêu (…). “Kẻ cắp gặp bà già” xoay quanh ván cờ Gánh- một trò chơi dân gian Việt Nam- với hai đấu thủ là Vua và Hoàng hậu, những kẻ “đồng sàng dị mộng” ôm ấp những mục tiêu riêng của đời mình. Từng vòng đấu của Vua và Hoàng hậu diễn ra trên bàn cờ, thông qua nội dung trên những bức tranh Hàng Trống nổi tiếng… Là “Đám cưới chuột”, là “Ngưu Lang Chức Nữ”, là “Thúy Kiều gặp Kim Trọng”, là “Mẫu Thượng Ngàn”…”.

Hoàng Thùy Linh và ê kip đương nhiên là những người hiểu rõ nhất MV của họ. Họ có thể chỉ tường tận “Đám cưới chuột”, “Ngưu lang Chức Nữ” , “Thúy Kiều gặp Kim Trọng” ở đoạn nào trong MV. Còn với khán giả, nếu không nghe Hoàng Thùy Linh giới thiệu, họ cũng khó nhận ra MV sử dụng tranh Hàng Trống làm “sợi chỉ đỏ xuyên suốt”. “Thề là đọc theo lời bài hát để hiểu còn chả kịp”, một khán giả thú nhận. Nhưng cũng có những fan “bở hơi tai” tua đi tua lại MV để đưa ra tổng kết như sau:  Tranh 1: Đám cưới chuột (2:38); Tranh 2: Vợ chồng ngâu, gắn sự tích “Ngưu Lang Chức Nữ” (2:11); Tranh 3: Bà chúa Thượng Ngàn (3:50); Tranh 4: Thúy Kiều, Kim Trọng (1:10); Tranh 5: Cá chép vượt vũ môn (3:25).

Tranh Hàng Trống của Linh 'bà già' ảnh 1 Một “bức tranh” trong MV “Kẻ cắp gặp bà già”. Ảnh: Đ.N, chụp từ MV

Cứ tua đúng dấu mốc thời gian trên MV được fan của Hoàng Thùy Linh tìm ra, sẽ nắm được “bí kíp” đưa tranh dân gian Hàng Trống vào sản phẩm ca nhạc được cô Mị và ê kip xử lý thế nào. Đừng đi tìm bức tranh cụ thể,  Hoàng Thùy Linh không bỏ chi phí để thuê nghệ nhân dân gian vẽ tranh Hàng Trống,  hãy nhìn cảnh dàn dựng để đoán  tên tranh. Thế thôi. Có thể xem như  một trò giải trí kiểu gameshow “Đuổi hình bắt chữ”.  Sau khi fan nọ truyền “bí kíp” xem tranh Hàng Trống được “vẽ” bởi Hoàng Thùy Linh và ê kíp của cô, nhiều khán giả mới thốt lên: “À, ra thế”; “Chẳng trách “đốt đuốc” vẫn không thấy tranh dân gian Hàng Trống ở đâu”v.v..

Các họa sỹ chuyên nghiệp khi xem “Kẻ cắp gặp bà già” có thấy tranh Hàng Trống không? Chúng tôi làm cuộc khảo sát nhỏ. Kết quả, một họa sỹ tên tuổi nói: “Chẳng nhìn thấy tranh Hàng Trống ở đâu, chỉ nhìn thấy màu sắc phim cổ trang là chính”. Anh cho rằng: “Trong nghệ thuật, nếu có cảm hứng từ thứ này để làm thứ khác thì vừa dễ, vừa khó. Nếu làm một cách dễ dàng thì rất dễ bị pha trộn hoặc minh họa. Còn đặt mình vào thử thách khó thì đòi hỏi phải nắm bắt được giá trị nhân văn cốt lõi để từ đó phát triển thêm về hình thức hoặc chạm tới giá trị mới”. Một họa sỹ lớn tuổi sau khi cẩn thận xem MV vài lần, đã đưa ra ý kiến: “Hình như có một hai hình nhỏ ở rìa khuôn hình?”. Các họa sỹ  không nhìn ra tranh dân gian Đông Hồ, vì với họ tranh phải là tranh, không phải thứ minh họa gợi nhớ đến tranh.  

Nói tới tranh dân gian Việt Nam là nói tới 4 dòng chính: Tranh Hàng Trống, Tranh Đông Hồ, Tranh Kim Hoàng, ở phía Bắc. Và tranh làng Sình, ở miền Trung. Trong đó, tranh Kim Hoàng đã thất truyền 7 thập kỷ. Tranh Hàng Trống cũng đang  thời âm u. Nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh dân gian Hàng Trống, họa sỹ Lê Đình Nghiên từng  bày tỏ lo ngại: Chẳng lẽ dòng tranh dân gian này chỉ còn trong bảo tàng?

Việc đưa tranh Hàng Trống nói riêng, các dòng tranh dân gian nói chung lên MV, vào phim ảnh… rất đáng cổ vũ. Song cũng đừng đặt hy vọng hoặc đánh giá cao những sản phẩm giải trí ở khả năng làm lan tỏa, tôn vinh hoặc sống dậy những giá trị văn hóa  dân gian đang bị xói mòn bởi thời gian và thời cuộc. Muốn biết, muốn hiểu về tranh Hàng Trống không thể cứ mở “Kẻ cắp gặp bà già” để nghiền ngẫm, trừ khi, bạn muốn “cày view” giúp “thần tượng”.

Có lần, họa sỹ Lê Đình Nghiên than phiền: Rất tiếc nhiều người hiện nay không phân biệt nổi tranh dân gian Hàng Trống với tranh dân gian Đông Hồ. Cho nên, khi Hoàng Thùy Linh điểm danh một số bức tranh nổi tiếng thuộc dòng tranh Hàng Trống, có nhắc đến “Đám cưới chuột” đã khiến không ít khán giả lăn tăn. Tranh Hàng Trống cũng có “Đám cưới chuột” song nhắc đến “Đám cưới chuột” là nhắc đến tranh dân gian Đông Hồ đầu tiên: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp… Đám cưới chuột đang tưng bừng, rộn rã/Bây giờ tan tác về đâu?” (Bên kia sông Đuống- Hoàng Cầm). 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
TPO - TIN NÓNG ngày 25/4: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ; Tàng trữ 1 viên đạn súng quân dụng bị tuyên phạt 12 tháng tù; Ông Trần Quí Thanh bị tuyên phạt 8 năm tù; Triệu tập hai đối tượng liên quan vụ hành hung phóng viên; Một cựu chủ tịch xã bị bắt; Lừa đảo cấp chứng chỉ tiếng Anh mang tên tổ chức Cambridge International...