Bật mí về người thầy đứng sau chiến thắng kỉ lục 460 điểm

Bật mí về người thầy đứng sau chiến thắng kỉ lục 460 điểm
Nguyễn Đức Thạch (trường THPT chuyên Lê Quý Đôn), thầy giáo dạy Văn nổi tiếng ở xứ gió cát Ninh Thuận, là người có phương pháp dạy có phần lạ lẫm. Thầy chính là người ôn luyện cho Hồng Chiến, cậu học trò vừa phá kỉ lục điểm số 15 năm của Đường lên đỉnh Olympia.

Vào sư phạm vì muốn “chắc vé” vào đại học

Ước mơ từ thời phổ thông cho đến tận những năm đầu đi dạy của thầyNguyễn Đức Thạchlà làm báo nhưng cuối cùng lại nộp hồ sơ vào Sư phạm bởi “muốn chắc ăn một vé vào đại học”. Thầy Thạch chia sẻ: “Thời ấy, mỗi thí sinh chỉ được thi vào một trường và đối với học sinh giỏi Quốc gia thì chỉ được tuyển thẳng vào ĐH Sư phạm. Gia đình không có điều kiện để thi lại thêm năm nữa nên mình chọn Sư phạm".

Đến với ngành Sư phạm chỉ là để “chắc vé vào ĐH” nhưng sau vài năm đi dạy “mình cảm thấy có thể gắn bó được với nghề”, thầy Thạch tâm sự. Và thầy đã gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ” ấy suốt 24 năm qua.

24 năm đứng trên bục giảng biết bao câu chuyện buồn vui mà đến hôm nay thầy vẫn còn nhớ, gom lại như “kho báu” của riêng mình. 24 năm gắn mình với phấn trắng bảng đen nhưng khi được hỏi về những gì đã làm được, thầy chỉ khiêm tốn chia sẻ: “Điều thú vị nhất là đã đôi lần thấy mình “thực sự có ích cho ai đó” khi làm thay đổi được vài đứa học trò theo hướng tích cực”.

Thầy Thạch được biết đến với cách dạy có chút “kì quái” và cả cách để “trịhọc trò cá biệt”. Thầy tâm sự: “Nếu chỉ nghịch ngợm và hơi cá biệt thì khá đơn giản, chỉ cần gõ đầu và xoa đầu vài cái là ổn”. Nhưng còn với những học trò thật sự cá biệt thì thầy cũng gặp không ít khó khăn để “cảm hóa”, và ngay từ những năm đầu đi dạy, thầy Thạch cũng đã phải chịu không ít tai tiếng. Bản thân bố thầy – một nhà giáo nghiêm khắc cũng đã rất phiền lòng khi nghe mọi người bảo: “Thầy Thạch toàn chơi với học trò cá biệt”.

Bỏ qua những lời bàn tán, thầy vẫn cố gắng để có thể hiểu được học trò, để “khơi dậy phần sáng” trong những học trò cá biệt ấy. Thầy chia sẻ: “Thời gian ấy, mình đã nói với bố rằng: Bố cứ yên tâm, mấy đứa học trò cá biệt vào nhà con sẽ trở thành sinh viên đại học chứ không bao giờ có sinh viên đại học tới nhà con để thành người cá biệt cả”.

Cứ như vậy, 24 năm đứng trên bục giảng cũng là 24 năm người thầy này bắt các em “mắc nợ” phải “trả nợ” bằng một tấm vé vào đại học. Và cũng nhờ vậy mà biết bao cô cậu học trò đã nên người, đã bước chân được đến cổng trường đại học.

Tôi nói chuyện “trên trời” để học sinh hiểu chuyện “dưới đất”

“Thực sự cách dạy của mình hơi thiếu tính chuẩn mực, mô phạm”, đó là điều đầu tiên thầy chia sẻ khi được hỏi về kinh nghiệm, phương pháp dạy. Và nghe ra thì cách dạy cũng lạ, cũng mới và có phần “kì lạ”: “Mình thích nói chuyện trên trời để học sinh tự hiểu chuyện dưới đất, tức là kiến thức cụ thể trong bài học. Khi lên lớp, nếu có vấn đề gì “hot” mình sẵn sàng đảo phân phối chương trình để dạy bài phù hợp với sự kiện nóng đang diễn ra để dễ liên hệ thực tế”.

Bật mí về người thầy đứng sau chiến thắng kỉ lục 460 điểm ảnh 1

Với cách dạy gợi mở, không áp đặt, cố gắng dung nạp và dung hòa các ý kiến khác nhau, hầu như không ghi bảng và đôi khi thoát khỏi chuyên môn để chia sẻ những điều mình thích nếu cảm thấy nó cần thiết cho học trò… thầy đã tạo nên sự khác biệt nho nhỏ, đó cũng là điều làm nên sức hấp dẫn của tiết học đối với học sinh.

Các bạn học sinh ngày đầu tiên vào lớp do thầy Thạch giảng dạy sẽ đều phải “qua cửa” bằng bài kiểm tra chất lượng đầu năm với đề bài “Môn Văn và tôi”. Cũng qua chính những bài viết như vậy, có những khi thầy Thạch thấy buồn vì: “Các em không hiểu ý nghĩa của môn Văn đối với cuộc sống, không hiểu rằng nó chính là một công cụ để con người tư duy và chia sẻ thông tin với nhau”.

24 năm đi dạy có biết bao kỉ niệm buồn vui nhưng chuyện về cô học trò bị khuyết tật gù lưng chỉ cao chưa tới 1m là khiến thầy Thạch nhớ nhất. Thầy chia sẻ: “Tiết dạy đầu tiên của năm học 1994 -1995, khi mình vào lớp, các học trò đã đứng dậy chào thì một em học sinh nữ ngồi bàn thứ hai vẫn nhất quyết không đứng dậy. Sau đi xuống tôi mới biết em bị khuyết tật. Nếu lúc ấy mà mình nặng lời thì chắc sẽ phải ân hận cả đời vì đã xúc phạm em”.

Cũng chính cô học trò “nhất quyết không đứng dậy chào thầy” năm nào đã mang đến cho thầy Thạch những niềm vui nhỏ bất ngờ. Chỉ một cuộc gọi để thông báo: “Thầy ơi, con biết tự đi xe đạp rồi” của cô học trò nhỏ cũng khiến thầy cảm thấy vui và nó trở thành niềm hạnh phúc khó quên trong những năm tháng làm nghề.

Thầy giáo của cậu học trò đạt điểm kỉ lục của Olympia

Mới đây, cậu học trò Hồng Chiến của thầy Thạch đã phá vỡ mọi kỉ lục về điểm số của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia khi đạt được 460 điểm.

“Mình không còn tuổi để chơi thì hãy tạo điều kiện cho học trò được chơi”, đó là chia sẻ của thầy Thạch khi được hỏi lý do nhận ôn luyện cho các bạn học sinh đi thi Đường lên đỉnh Olympia.

Bật mí về người thầy đứng sau chiến thắng kỉ lục 460 điểm ảnh 2

Thầy Thạch chia sẻ: “Mình tổ chức cho các em “thi đấu” qua từng trận được phát sóng trên VTV3 để rèn luyện kỹ năng, bản lĩnh thi đấu. Về kiến thức chủ yếu là định hướng để các em tự tìm tòi, biết cách tự hệ thống hóa kiến thức để “truy xuất” nhanh nhất khi cần thiết. Qua rất nhiều năm hướng dẫn học trò tham gia Olympia mình vẫn luôn cảm thấy hứng thú vì cuộc chơi tri thức sẽ không bao giờ cũ, mình cũng sáng tạo ra được nhiều điều và học thêm nhiều kiến thức, giải pháp xử lý rất hay từ học trò”.

“Khát vọng và bản lĩnh” đó là những điều thầy Thạch ấn tượng về cậu học trò Hồng Chiến. Dù không phải là người xuất sắc nhất về mặt kiến thức nhưng Chiến lại có sự ổn định về tâm lý, biết lắng nghe để học hỏi và nhanh chóng khắc phục những sai sót.

“Tự do cho cá nhân và có ích thực sự cho ai đó” là phương châm sống của thầyNguyễn Đức Thạch. 24 năm đứng lớp với biết bao câu chuyện buồn vui của nghề “trồng người” và với nhiều thế hệ học trò, thầy thật sự là một người “có ích”, là người đồng hành cùng họ đi đến tương lai.

Theo Minh Phương
Theo Báo đất việt
MỚI - NÓNG