Bắt học sinh đọc bản kiểm trước toàn trường vì xúc phạm nhóm nhạc BTS: Nhà trường có sai?

M.Q. bị đình chỉ học, hạ hạnh kiểm, phải lao động công ích và đọc kiểm điểm trước trường. Hình ảnh nam sinh đọc bản kiểm điểm và xin lỗi được quay lại và đưa lên mạng. Ảnh cắt từ clip
M.Q. bị đình chỉ học, hạ hạnh kiểm, phải lao động công ích và đọc kiểm điểm trước trường. Hình ảnh nam sinh đọc bản kiểm điểm và xin lỗi được quay lại và đưa lên mạng. Ảnh cắt từ clip
TPO - Các nhà quản lý giáo dục cho rằng nam sinh ở TP.HCM xúc phạm nhóm nhạc BTS phải bị kỷ luật song hình thức xử lý này sai hoàn toàn so với thông tư 08 hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông.

Trước đó, clip ghi lại cảnh nam sinh đọc lời xin lỗi trước toàn trường được chia sẻ lên nhiều diễn đàn, gây ra hai luồng ý kiến trái chiều về cách xử lý của nhà trường.

Theo đó, em N.H.M.Q., học sinh lớp 8, trường THCS Ngô Quyền (quận Tân Bình, TP.HCM) bị kỷ luật, phải đọc bản kiểm điểm trước toàn trường vì lập trang anti, đăng hình ảnh, bài viết có nội dung thô tục, xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc BTS.

Ban giám hiệu trường không nắm được quy định về kỷ luật học sinh?

Về vấn đề này, Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình, trường THCS- THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng, những người làm công tác quản lý ở trường THCS Ngô Quyền đã không nắm được cái quy định về kỉ luật học sinh.

Ngoài ra, thầy Bình cũng cho rằng, cách xử lý kỷ luật của trường này là máy móc, xúc phạm nhân phẩm của học sinh. Trong nhiều năm vừa qua việc xử lý học sinh phải mang tính tích cực, làm sao cho học sinh thấy được khuyết điểm của mình, các học sinh tự giác khắc phục, sửa chữa.

“Xử lý thì cần thiết nhưng không thể quy chụp, bêu riếu học sinh trước toàn trường như vậy. Hình thức đó như trường này thì hầu như không ai sử dụng nữa”- thầy Bình nhấn mạnh.

Mặt khác, theo vị hiệu trưởng này, nhà trường  bắt học sinh đọc trước toàn trường và sau đó bị quay đưa lên mạng thì không được.

“Chả nhẽ những người làm công tác quản lý của trường từ hiệu trưởng cho đến phó hiệu trưởng, cô giáo hiệu trưởng ở đó thì chả nhẽ mấy chục thầy cô ở đó không biết cách làm đó không mang tính giáo dục. Càng đáng trách hơn nữa vì trong mấy chục giáo viên mà biết là hình thức đó không đúng mà không lên tiếng, không can ngăn hình thức xử lý. Nhà làm quản lý như vậy không xứng đáng”- thầy Bình nói.

Việc nhà trường kết luận học sinh vi phạm luật An ninh mạng thì nhà trường hơi quy chụp. Vấn đề ở chỗ, theo thầy Bình, luật đó không phải áp dụng cho những tính chất vụ việc không đến mức mà nhà trường lại đưa em đó vào vi phạm luật này.

“Lời nói có thể chưa được văn hóa, thô tục, vi phạm đến một ban nhạc có fan hâm mộ thì nhà trường không thiếu gì cách để xử lý cả. Có thể làm sao để em học sinh xin lỗi cái việc đó là được rồi.  Xử lý này sẽ ảnh hưởng khiến cho học sinh đó có thể gây chấn động tâm lý, sợ hãi,… Rõ ràng, việc xử lý này không nhân văn, xúc phạm nhân phẩm, danh dự học sinh”- vị hiệu trưởng này nhấn mạnh.

Nếu người xử lý kỷ luật sai quy chế, có cần kỷ luật không?

Thầy Phạm Phúc Thịnh, Hiệu trưởng một hệ thống trường  tư tại TP.HCM cho rằng, chuyện học sinh đó bị kỷ luật học sinh ở đây sai hoàn toàn so với thông tư 08 ngày 21/3/ 1988 hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông (cho đến nay vẫn còn là cơ sở pháp lý để các đơn vị giáo dục thực hiện trong việc xét khen thưởng kỷ luật học sinh).

Vì theo thầy Thịnh, tại mục III của thông tư này có quy định 5 hình thức kỷ luật học sinh : Khiển trách trước lớp; Khiển trách trước hội đồng kỉ luật nhà trường; Cảnh cáo trước toàn trường;  Đuổi học một tuần lễ.

Cũng trong thông tư về "Lập hồ sơ đề nghị xét kỉ luật" (đối với những hình thức kỉ luật từ khiển trách trước Hội đồng nhà trường trở lên) cũng quy định rất rõ về cách thức tiến hành kỷ luật học sinh như thế nào và thủ tục ra sao.

Thầy Thịnh cho rằng, dựa vào thông tin của các phương tiện truyền thông, việc trả lời phỏng vấn của PHT trường THCS Ngô Quyền, đôi chiếu với những quy định này thì thấy, BGH trường THCS Ngô Quyền đã làm sai hoàn toàn quy định của Bộ GD&ĐT trong việc kỷ luật học sinh có các điểm sai.

Cụ thể, theo thầy Thịnh, việc nhà trường kết luận học sinh  vi phạm luật An ninh mạng là sai vì nhà trường không có quyền kết tội học sinh vi phạm luật (chỉ có tòa án mới có quyền này).

Thứ hai, theo thầy Thịnh, không có hình thức kỷ luật đọc bản kiểm điểm trước toàn trường (lý do để bảo vệ danh dự nhân phẩm học sinh vi phạm kỷ luật); Không có hình thức đình chỉ học tập 4 ngày trong các hình thức kỷ luật quy định.

Ngoài ra, việc nhà trường quyết định kỷ luật học sinh mà không lập hội đồng kỷ luật và có biên bản xét kỷ luật, bố mẹ học sinh  và chính bản thân học sinh không được mời tham dự phiên họp xét kỷ luật của hội đồng kỷ luật (nếu có).  Không có hồ sơ đề nghị, xét kỉ luật do giáo viên chủ nhiệm lớp báo cáo và đề nghị

“Như vậy, rõ ràng chính những người ra quyết định kỷ luật học sinh này, đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Bộ GD&ĐT”- vị hiệu trưởng này nhấn mạnh.

Thầy Phúc cũng đặt ra câu hỏi liệu có cần kỷ luật những người xử lý kỷ luật sai quy chế?

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình, trường THCS- THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng, nhà trường không phải vì học sinh có vi phạm này thì được xử lý bằng vi phạm khác.

“Hiệu trưởng là Chủ tịch hội đồng kỷ luật. Nếu ở đây chưa đưa ra hội đồng kỷ luật đã đưa ra kỷ luật thì hiệu trưởng cũng có trách nhiệm liên đới theo. Trách nhiệm như thế nào phòng GD&ĐT cần xem xét. Hiệu trưởng là chủ tịch kỷ luật sai dù họ có kí hoặc không kí”- ông Bình nêu quan điểm.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.