Như báo Tiền Phong đã phản ánh trước đó, trên đoạn đê Nghi Tàm, kéo dài gần 1 km, đoạn từ cầu vượt An Dương đến đầu phố Từ Hoa (phường Quảng An, Tây Hồ) xuất hiện chằng chịt những chữ, hình vẽ graffiti.
Đoạn đường này nằm trong hạng mục hạ thấp đê Nghi Tàm, thuộc Dự án cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên có chiều dài 271m, rộng 10m với tổng mức đầu tư khoảng 312 tỷ đồng, vừa chính thức thông xe hồi tháng 10/2018 vừa qua.
Nhiều người dân sinh sống tại đây cho rằng, những hình vẽ xuất hiện chi chít trên tường đê khiến tuyến đường trở nên nhếch nhác. Không chỉ vẽ vào thành đê, mà một số người còn vẽ cả vào cổng một số nhà người dân.
Ông Phạm Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Phụ cho biết, đa phần các hình vẽ được vẽ lén lút vào ban đêm, khi ít người qua lại và khiến lực lượng chức năng khó khăn ngăn chặn.
Ông Trung cũng cho biết đã bắt được một người vẽ bậy trên đoạn đường đê. Về người bị bắt, lãnh đạo phường cho biết sẽ thông tin cụ thể sau.
Ghi nhận của báo chí tại đây vào một số buổi tối, có các thanh niên nước ngoài cầm lọ sơn xịt phun lên tường.
Thực tế ở nhiều đô thị trên thế giới, nạn vẽ graffiti khiến phố phường nhếch nhác đang hoành hành, khó kiểm soát. Ở nhiều nước, vẽ graffiti lên các phương tiện giao thông công cộng bị coi là vi phạm pháp luật và thủ phạm phải chịu phạt nặng.
Ở một chiều hướng khác, graffiti vẫn được cộng đồng nghệ thuật thế giới và công chúng ủng hộ khi nó được đặt đúng chỗ và thể hiện tính sáng tạo nghệ thuật, chẳng hạn truyền tải thông điệp xã hội tốt đẹp như: biểu tượng hòa bình, tuyên truyền..