Bất động sản đã 'rã đông'?

Bất động sản đã 'rã đông'?
TP - Người dân đang trở lại mua nhà nhiều hơn, chủ yếu là chung cư giá trung bình thấp. Thị trường mua bán dự án cũng ấm dần, khi có đơn vị mua cùng lúc 3 dự án lớn, với vốn gần 4.000 tỷ đồng. Thị trường bất động sản (BĐS) đang có dấu hiệu phục hồi hay chỉ là cơn “ngắc ngoải” về đáy?

Chung cư hút khách, đất nền ế ẩm

Khảo sát tại nhiều sàn giao dịch BĐS, chung cư giá trung bình thấp (giá dưới 15 triệu đồng/m2, diện tích dưới 70m2) vẫn nhận được nhiều quan tâm nhất. Điều này được các nhân viên lý giải, do người mua được vay gói ưu đãi với lãi suất 30.000 tỷ đồng.

Một nhân viên sàn giao dịch Mường Thanh cho biết, hiện dự án Kim Văn - Kim Lũ được nhiều người tìm mua dù giá chênh lên tới gần 100 triệu đồng/căn (tùy diện tích). “Gia đình tôi chỉ có 400 triệu đồng, khảo sát nhiều nơi, thấy ở đây phù hợp lại được vay gói 30.000 tỷ đồng, nên dù giá chênh vẫn mua”, chị Anh Thư (Hoàng Mai, Hà Nội) mua căn hộ tại dự án cho biết.

Nhiều dự án khác cũng nhận được quan tâm của khách hàng nhờ giá rẻ, như chung cư CT1B Tân Tây Đô (699 triệu đồng/căn); chung cư CT12 Văn Phú; Nam Xa La (giá từ 560 - 980 triệu đồng/căn); XPHomes (giá từ 800 triệu đồng - 1,2 tỷ đồng/căn)… Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Giám đốc Kinh doanh Siêu thị dự án BĐS cho biết, lượng giao dịch tại sàn tăng đáng kể; tập trung nhiều vào phân khúc chung cư có giá 1 - 2 tỷ đồng/căn, tiến độ xây dựng tốt và sắp bàn giao nhà.

Bất động sản đã 'rã đông'? ảnh 1

Thông báo bán đất treo cả năm, nhưng chưa có người mua (Ảnh chụp tại phường Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: L.H.V

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, giao dịch diễn ra ở phân khúc nhà giá rẻ đang là tín hiệu tích cực cho thị trường. “Chủ đầu tư đang chuyển hướng tiếp cận, đáp ứng theo nhu cầu xã hội. Phân khúc nhà xã hội, nhà giá rẻ lên ngôi đã phần nào làm ấm thị trường BĐS. Tuy nhiên, gói 30.000 tỷ đồng nên linh hoạt hơn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân”, ông Thành nói.

Ở phân khúc đất nền dự án, dù quy định mới của Bộ Xây dựng cho phép chủ đầu tư các khu đô thị mới được phân lô, bán nền, nhưng vẫn không nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng. “Từ chính sách tới thực tế cần một khoảng thời gian nhất định. Tới nay tôi chưa thấy dự án đô thị nào thông báo bán đất nền”, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Tổng GĐ Cty Cổ phần Tập đoàn Thế Kỷ (Cengroup) nói. Theo ông Hưng, hiện thị trường cần nhà để ở, không phải lúc ôm đất đầu tư.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch liên minh sàn BĐS G5 nhận định, nói thị trường BĐS bắt đầu “sốt” là không chính xác. Hiện, thị trường có ấm hơn các năm trước, tức là có giao dịch mua - bán. Về giá, theo ông Khánh, có một số dự án sắp hoàn thiện, vị trí đẹp… sau một thời gian giảm giá, nay có nhúc nhích tăng 2-3% so với trước. Tuy nhiên, chỉ phân khúc nhà chung cư mới có mua bán nhiều; đất nền, biệt thự, liền kề giao dịch không đáng kể.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Liên minh sàn BĐS G5 cho rằng, điều kiện để dự án đô thị mới được phân lô, bán nền phải nằm ở khu vực ngoại thành. “Ở ngoại thành cơ sở hạ tầng xã hội (điện, nước, đường, trường học, chợ…) đều thiếu thốn, có mua cũng phải vài năm mới tới ở được. Trong khi người dân cần nhà để ở, do đó muốn bán đất nền cũng không ai mua. Tôi cũng chưa thấy dự án nào rao bán đất nền”, ông Khánh nói.

Với thị trường đất thổ cư, khảo sát tại một số quận, huyện của Hà Nội cho thấy: Dù giá đã giảm hơn một nửa so với thời điểm 2010-2011 (cơn sốt đất đạt đỉnh điểm), nhưng vẫn ít người mua. Thậm chí, có khu đất giới thiệu bán cả năm trời, chủ đất giảm giá liên tục vẫn chưa bán được. Tại phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông), làng Ngọc Trục (xã Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội)… không chỉ giá giảm, người mua ít, mà cả số người bán cũng giảm so với 3-4 năm trước.

“Hiện, đất có sổ đỏ giá chỉ khoảng 15-17 triệu đồng/m2, trước đây bình quân cũng phải 30 triệu đồng/m2; thậm chí có vị trí lên tới 60 triệu đồng/m2. Giờ ít người mua, giá phải giảm theo, chỉ nhà nào cần tiền gấp mới phải bán”, ông Nguyễn Văn Viên (phường Yên Nghĩa) - chủ bán đất vừa kiêm “cò” môi giới đất trong khu vực cho biết.

“Chiêu” làm ấm thị trường?

Cuối tuần vừa qua, Tập đoàn Novaland công bố mua lại 3 dự án chung cư tại TPHCM, với tổng vốn đầu tư khoảng 3.700 tỷ đồng. Điều này khiến không ít giới đầu tư BĐS ngạc nhiên, xen lẫn nghi ngờ về tiềm lực của Tập đoàn này. Tuy vậy, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng, Novaland có truyền thống kinh doanh lĩnh vực thức ăn gia súc, thuốc thú y. Tám năm nay, tập đoàn này mới tham gia vào thị trường BĐS và đã có dự án thành công.

“Muốn xem sức khỏe của doanh nghiệp thế nào nên nhìn vào những dự án họ làm. Với những dự án họ mua lại hiện đang triển khai tốt, tiến độ đảm bảo”, ông Châu nói. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Cty Địa ốc Đất Lành nói: “Có những dự án bán chưa tốt, nhưng họ vẫn có vốn thi công đúng tiến độ, chất lượng. Điều quan trọng là chưa có ngân hàng nào công bố nợ của doanh nghiệp này”.

Chiều 24/2, một đại diện Tập đoàn Novaland cho biết, việc mua lại 3 dự án kể trên không nhằm đánh bóng tên tuổi, mà tạo niềm tin cho khách hàng. Theo đó, với 3 dự án này, tập đoàn sẽ trả tiền theo tiến độ dự án.

“Chúng tôi không dùng vốn ngân hàng, chỉ dùng vốn tự có và huy động của khách hàng. Mỗi doanh nghiệp có cách đi riêng, chúng tôi đầu tư dựa trên niềm tin của khách hàng”, ông nói.

MỚI - NÓNG
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
TPO - Tại tòa, bị cáo thuộc đơn vị tư vấn khai quá trình thi công cho đến trước ngày diễn ra sạt trượt, đơn vị tư vấn không nhận được bất cứ phản ánh nào liên quan đến hồ sơ thiết kế. 'Nước ngầm' mà cáo trạng đề cập là do thấm từ trên xuống, lỗi này do đơn vị thi công sử dụng đất đắp không đạt yêu cầu.