Kết quả khảo sát ban đầu cho thấy, nhịp cầu chìm nằm ở độ sâu 13m, dính nhau bởi thanh ray. Trong đó, một đầu nhịp 2 kê lên mố cầu sập, nhịp cầu 3 treo lơ lửng do dính ray sắt với nhịp bên kia.
Sau khi thống nhất phương án, Cienco 1 huy động lực lượng tiến hành cắt thanh ray trên nhịp 4 để tách các hạng mục bị đổ sập khỏi phần còn lại của cầu. Các kết cấu dầm cầu bằng thép sau đó được chuyển lên sà lan đưa về điểm tập kết. Người nhái thực hiện việc neo, móc treo vào cầu để kéo lên.
Trong ngày 26/3, nhiều thanh sắt tại một đầu cầu Ghềnh bị sập đã được cắt, đánh chìm xuống sông, sau đó các người nhái lặn xuống sông để neo, móc treo vào cầu sau đó kéo lên. Hiện lực lượng chuyên trách của Cineco 1 đã treo nhịp dầm gác trên trụ cầu Ghềnh để cắt rời trụ B1, đồng thời hạ nhịp dầm (bị gãy) xuống sông. Sau đó, huy động thợ lặn, lặn sâu xuống đáy sông dùng thiết bị chuyên dụng để cắt nhịp cầu gãy làm đôi. Tiếp đến, các đơn vị sẽ sử dụng cần cẩu công suất 500 tấn cẩu phần cầu gãy có trọng lượng khoảng 300 tấn đưa lên khỏi mặt nước.
“Do vị trí cầu sập địa chất, chế độ thủy văn phức tạp, nên việc thực hiện trục vớt cầu Ghềnh sẽ mất nhiều ngày, dự kiến hoàn thành trước ngày 2/4” – đại diện đơn vị trục vớt cầu Ghềnh khẳng định.
Trước đó, cặp cẩu nổi 500 tấn và 150 tấn thi công cầu Bình Khánh (thuộc tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành), với công suất thuộc loại lớn nhất Việt Nam đã về đến lưu vực sông Đồng Nai (TP Biên Hòa) sẵn sàng tham gia trục vớt cầu Ghềnh.