Bắt đầu điều trần vụ máy bay boeing chở gần 180 người bung cửa trên không

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các nhà điều tra Mỹ sẽ mở phiên điều trần kéo dài hai ngày, từ sáng 6/8, về vụ tai nạn xảy ra vào tháng 1 trên chiếc Boeing 737 MAX do Hãng hàng không Alaska Airlines khai thác.

Vào ngày 5/1, chiếc Boeing 737 MAX của Alaska Airlines chở theo 177 hành khách và phi hành đoàn, khi vừa cất cánh từ sân bay Portland, Oregon thì bất ngờ cửa thoát hiểm giữa thân máy bay bị bung ra khiến hành khách chịu áp lực không khí cao ở độ cao khoảng 5.000m và máy bay phải hạ cánh khẩn cấp. Chiếc máy đã hạ cánh an toàn tại Portland và chỉ có 8 người bị thương nhẹ. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (NTSB) và Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã điều tra sự việc.

NTSB cho biết, phiên điều trần diễn ra vào ngày 6-7/8 tại Washington, nhằm mục đích "xác định sự thật, hoàn cảnh và nguyên nhân có thể xảy ra của vụ tai nạn trên và đưa ra các khuyến nghị nhằm cải thiện an toàn giao thông".

Bắt đầu điều trần vụ máy bay boeing chở gần 180 người bung cửa trên không ảnh 1

Boeing liên tiếp phải đối mặt với các vấn đề pháp lý trong thời gian qua. Ảnh: Reuters.

Trong phiên điều trần, NTSB sẽ lắng nghe khoảng 15 nhân chứng. Bao gồm: Elizabeth Lund - Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách chất lượng của Boeing; Doug Ackerman - Phó Chủ tịch phụ trách chất lượng nhà cung cấp của Boeing; Terry George - Phó Chủ tịch cấp cao, Tổng Giám đốc chương trình Boeing tại Spirit AeroSystems; Scott Grabon - Giám đốc cấp cao về chất lượng 737 tại Spirit - công ty sản xuất thân máy bay MAX...

Một số quan chức của FAA cũng sẽ làm chứng tại phiên điều trần dự kiến ​​kéo dài 20 giờ về sự cố máy bay Boeing 737 MAX của Alaska Airlines.

Danh sách nhân chứng tham gia cuộc điều trần không có hãng hàng không Alaska Airlines.

Phiên điều trần sẽ xem xét các vấn đề bao gồm: Sản xuất và kiểm tra dòng máy bay 737, hệ thống quản lý an toàn và quản lý chất lượng, giám sát của FAA và các vấn đề liên quan đến việc đóng và mở cửa.

Người phát ngôn của Spirit cho biết công ty "hoàn toàn cam kết hợp tác với NTSB trong quá trình điều tra vụ việc này". Boeing và FAA hiện không đưa ra bình luận chính thức.

Theo kết quả điều tra sơ bộ được NTSB công bố ngày 6/2, bốn bu lông cố định tấm chắn đã bị mất. NTSB đã thu thập các tài liệu viết và hình ảnh cho thấy nhân viên của Boeing đã tháo bốn bu lông ở cửa trong quá trình kiểm tra tại nhà máy Renton ở tiểu bang Washington trước khi giao máy bay vào tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, Boeing cho biết không có giấy tờ nào ghi lại việc tháo bu lông.

Bắt đầu điều trần vụ máy bay boeing chở gần 180 người bung cửa trên không ảnh 2
Một chiếc Boeing 737 MAX. Ảnh: Reuters.

Hồi tháng 6, bà Elizabeth Lund - Phó chủ tịch cấp cao phụ trách chất lượng của Boeing - đã tiết lộ một số vấn đề liên quan đến cuộc điều tra của NTSB cho các nhà báo tham quan nhà máy của công ty. Sau khi những bình luận của Lund được công bố, NTSB đã thông báo rằng họ sẽ xử phạt công ty này vì chia sẻ thông tin chi tiết về một cuộc điều tra đang diễn ra mà lẽ ra không được thảo luận công khai.

NTSB cho biết trong một lá thư gửi cho Giám đốc điều hành Boeing Dave Calhoun ngày 27/6 rằng: "Việc coi thường các quy định và quy tắc liên bang chi phối các cuộc điều tra của NTSB là không thể chấp nhận được". Do đó, NTSB tuyên bố sẽ ngăn Boeing xem xét thông tin thu thập được trong quá trình điều tra và không cho phép công ty này đặt câu hỏi cho các nhân chứng khác tại phiên điều trần.

Vào tháng 3, Chủ tịch NTSB Jennifer Homendy cũng chỉ trích Boeing gay gắt vì chậm trễ trong việc cung cấp các tài liệu quan trọng và các nhân chứng liên quan đến quá trình làm việc trên máy bay.

Vừa tháng trước, Boeing nhận tội gian lận hình sự trong vụ tai nạn máy bay khiến 346 người chết năm 2018 và 2019, phải chịu sự giám sát chặt chẽ về an toàn hàng không từ các cơ quan quản lý.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG
Người Tiền Phong luôn tiên phong
Người Tiền Phong luôn tiên phong
TP - Sau cơn bão số 4, mưa lũ dồn dập trút xuống nhiều tỉnh thành miền Bắc khiến nhiều bản làng, nhà cửa và hàng trăm người dân bị cuốn trôi, mất tích. Nhận lệnh từ Ban Biên tập báo Tiền Phong, nhóm phóng viên Bắc Trung bộ lập tức lên đường từ miền Trung ra miền Bắc để chi viện “điểm nóng”.