Bất cập cán bộ công chức không được nhận hỗ trợ khi thu hồi đất

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đặc thù của Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, thành phố Cần Thơ nói riêng, trên 80% cán bộ, công chức, viên chức xuất thân là nông dân nhưng không được xem là đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Thế nên khi bị thu hồi đất, họ chỉ được nhận tiền bồi thường, không được nhận tiền hỗ trợ...

Đó là một trong những vấn đề được ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ góp ý tại Hội thảo khoa học “Hoàn thiện pháp luật đất đai trong thời kỳ hội nhập” do Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức ngày 15/5.

Ông Trường cho biết, từ thực tiễn quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã đặt ra những vấn đề cơ bản cần tiếp tục được hoàn thiện trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Trong đó, về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cơ chế chuyển dịch đất đai, theo quy định, việc hỗ trợ trong thu hồi đất nông nghiệp chỉ áp dụng cho tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp, đó là những người không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị xã hội khác, kể cả người về hưu.

Việc quy định người trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp làm cho nhiều cán bộ, công chức, viên chức tham gia các công việc giúp cải thiện đời sống gia đình thông qua việc sản xuất nông nghiệp gặp nhiều bất cập.

“Đặc thù của ĐBSCL nói chung, thành phố Cần Thơ nói riêng, trên 80% cán bộ, công chức, viên chức xuất thân là nông dân. Nhưng họ không được xem là đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Thế nên khi bị thu hồi đất, họ chỉ được nhận tiền bồi thường, không được nhận tiền hỗ trợ” – ông Trường nói.

Về tạo quỹ đất, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đề xuất, khi nhà nước thu hồi đất để tạo quỹ đất đấu giá thực hiện dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở thì để lại 12% cho người dân, 88% cho nhà nước, bao gồm cả đất công cộng.

Như vậy, nhà nước sẽ không bỏ vốn thực hiện dự án mà vẫn có đất sạch để đấu giá mang lại nguồn thu ngân sách cho nhà nước, người dân cũng có lợi ích từ 12% đất chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở mà không phải nộp tiền sử dụng đất, còn nhà đầu tư có đất sạch thông qua đấu giá (không mất thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư). Việc này, thực tế đã được nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản áp dụng.

Ngoài ra, việc quy định bồi thường vật nuôi chưa bao quát được tất cả vật nuôi, chỉ bao gồm vật nuôi là thủy sản. Mặt khác, các văn bản của trung ương chưa quy định mật độ cây trồng và mật độ thả nuôi trong bồi thường khi nhà nước thu hồi đất để ngăn ngừa tình trạng một số người dân cố tình trồng thêm cây để được bồi thường nhiều hơn, gây mất công bằng trong bồi thường...

Bất cập cán bộ công chức không được nhận hỗ trợ khi thu hồi đất ảnh 1

Quang cảnh hội thảo.

Phân định rõ 3 phương thức chuyển dịch đất đai

Liên quan đến vấn đề chia sẻ lợi ích từ dự án đầu tư, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, phương án chuyển dịch đất đai (CDĐĐ) phải được thể hiện rõ cơ chế chia sẻ lợi ích từ dự án đầu tư, đặc biệt là chia sẻ lợi ích từ giá trị đất đai tăng thêm do đầu tư mang lại.

Nguồn thu từ đất của Việt Nam hiện nay vẫn có tới 80% từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi nhà nước thu hồi đất để giao đất, cho thuê đất; còn thu từ các loại thuế, phí chỉ chiếm 20%.

“Trong khi đó, ở các nước công nghiệp khác có nguồn thu chủ yếu từ thuế, phí, trong đó có thuế đối với giá trị đất đai tăng thêm. Như vậy, CDĐĐ luôn tạo ra giá trị đất đai tăng lên khá lớn mà nhà nước và nhà đầu tư dự án thu là chủ yếu, người sử dụng đất được bồi thường, hỗ trợ không đúng giá trị bị mất” – ông Võ nói.

Theo ông Võ, cần phân định thật rõ ranh giới của 3 phương thức CDĐĐ. Cụ thể: CDĐĐ bắt buộc chỉ áp dụng cho các dự án thuộc khu vực công, không vì mục tiêu lợi nhuận. CDĐĐ dựa vào đồng thuận của đại đa số cộng đồng được áp dụng cho các dự án vì mục tiêu lợi nhuận, trong đó có lợi ích của nhà nước gắn với lợi ích của chủ đầu tư tư nhân. CDĐĐ tự nguyện phải áp dụng cho các dự án vì mục tiêu lợi nhuận riêng của chủ đầu tư tư nhân.

Về cơ chế giao đất, việc đấu giá đất chỉ thực hiện đối với CDĐĐ tự nguyện; việc đấu thầu dự án có sử dụng đất được áp dụng đối với CDĐĐ dựa vào đồng thuận theo đại đa số cộng đồng; còn cơ chế giao, cho thuê đất trực tiếp chỉ áp dụng đối với CDĐĐ bắt buộc (gắn với các tiêu chí sử dụng đất công tiết kiệm)…

MỚI - NÓNG