Cuộc họp do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì để đánh giá, thống nhất các biện pháp đáp ứng với dịch bệnh tại Việt Nam trong thời gian tới.
Vẫn đợi mẫu chuẩn của WHO để khẳng định ca nhiễm
Ông Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ cho biết, hiện nay miền Bắc chưa ghi nhận ca mắc virus corona mới. Hiện nay trên thế giới chỉ có WHO và CDC Hoa Kỳ mới có khả năng tìm ra mồi đặc hiệu, chứng dương và các vật liệu di truyền của virus mới. TS. Dương thông tin thêm, Viện đã nhận đươc trình tự gene đặc hiệu của loại virus mới này do WHO gửi. Với trình tự gene này, khi Viện nhận mồi đặc hiệu, chứng dương và vật liệu di truyền do WHO gửi thì các nhà khoa học của Viện sẽ nhanh chóng giải mã được loại virus mới này trong vòng 24 giờ. Các quốc gia trên thế giới đều đang đợi thông tin này từ WHO để tiến hành các xét nghiệm sinh học phân tử nhằm tìm ra chính xác loại virus corona mới này là gì để có hướng điều trị tốt nhất.
Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đang thực hiện các xét nghiệm mẫu bệnh phẩm một số trường hợp nghi ngờ có liên quan đến yếu tố dịch tễ từ vùng dịch của Trung Quốc tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư và Bệnh viện Nhi T.Ư. Bệnh nhân bao gồm cả người Trung Quốc và Việt Nam, hiện loại trừ 2 bệnh nhân.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, hiện nay, theo báo cáo của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có 2 trường hợp người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam có biểu hiện, triệu chứng của bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới. Hai trường hợp đang nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Hai trường hợp do Việt Nam xét nghiệm dương tính nhưng chưa có xét nghiệm chuẩn của thế giới. Đây là dịch mới chưa có mẫu bệnh chuẩn nên chưa khẳng định cuối cùng. Tới đây tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tất cả các cơ sở y tế phải bảo đảm sức khoẻ cho nhân viên y tế, tuyệt đối không được để lây nhiễm sang nhân viên y tế”.
Trả lời thắc mắc về việc thổi ống đo nồng độ cồn có lây nhiễm virus không, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, mức độ lây khác nhau, sởi lây cao nhất rồi đến thuỷ đậu cúm sars, còn với bệnh virus corona mới này cũng có nguy cơ lây nhiễm. Nên khuyến cáo dùng ống 1 lần.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong khoảng thời gian từ ngày 14-20/1 Việt Nam đã phát hiện 3 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đến từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam tại Sân bay Quốc tế Đà nẵng và Sân bay Quốc tế Cam Ranh. Các trường hợp đã được loại trừ nhiễm nCoV và trở về Trung Quốc.
Bắt buộc khai báo y tế tại các cửa khẩu
Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện ngay khai báo y tế tại các cửa khẩu, theo dõi sát sao các ca sốt. Mọi người hạn chế đi đến những vùng nguy cơ dịch, những nơi có bệnh nhân và đặc biệt không đến Vũ Hán. Sắp tới Trung Quốc công bố địa phương nào có dịch lớn sẽ khuyến cáo công dân Việt Nam không đến.
Nhận định về tình hình hiện nay, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết:”Hiện nay tình hình bệnh do visrus corona chưa lây lan rộng, vẫn đang trong tầm kiểm soát; các cơ quan có trách nhiệm đã tạo được hàng rào kiểm soát ở các cửa khẩu, cửa ngõ nên người dân không nên quá lo lắng”.
Đến ngày 23/1, Việt Nam ghi nhận 2 trường hợp bệnh xâm nhập là công dân đến từ Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Các trường hợp nói trên đã được phát hiện kịp thời, tổ chức cách ly chặt chẽ tại bệnh viện để không làm lây lan dịch bệnh.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, Bộ Y tế Việt Nam đã theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, đánh giá, dự báo khả năng lây nhiễm vào Việt Nam, chỉ đạo toàn bộ hệ thống y tế giám sát nghiêm ngặt tại cửa khẩu, cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện kịp thời, cách ly, quản lý chặt chẽ các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh; sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân, không để lây lan rộng.
Hiện tất cả các cửa khẩu đã thực hiện giám sát tất cả hành khách đến từ vùng có dịch bằng máy đo thân nhiệt từ xa, thực hiện phát tờ rơi truyền thông, có kế hoạch ứng phó, sẵn sàng phòng cách ly, các trang thiết bị thiết yếu phòng, chống dịch. Các cơ sở y tế chuẩn bị các trang thiết bị, thuốc, hóa chất khu vực cách ly, sẵn sàng thu dung điều trị bệnh nhân và phòng chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện. Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai các hoạt động đáp ứng cao hơn một mức so với thực tế tình hình dịch.