Bấp bênh từ lương đến bếp ăn công nhân

Bấp bênh từ lương đến bếp ăn công nhân
TP - Đời sống người lao động, công nhân nghèo bấp bênh, các vụ công nhân ngộ độc thực phẩm … được phản ánh trong ngày khai mạc HĐND TP Hà Nội và TPHCM hôm qua (13- 7).

> Chất lượng lao động bắt đầu tụt hậu

Công nhân bị ngộ độc tập thể đã không còn là điều hiếm thấy. Ảnh minh họa/ Tiến Dũng
Công nhân bị ngộ độc tập thể đã không còn là điều hiếm thấy. Ảnh minh họa/ Tiến Dũng.

Tại cuộc họp HĐND TP Hà Nội, tổng hợp kiến nghị cử tri thành phố cho thấy, còn nhiều ý kiến lo lắng về đời sống của người lao động, đặc biệt là lao động nghèo; công tác quản lý đất đai, quản lý xây dựng và trật tự đô thị, giao thông còn hạn chế, việc xử lý các dự án treo chưa kiên quyết; vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường vẫn là những bức xúc mà chưa được xử lý kịp thời...

Trong khi đó, các đại biểu HĐND TPHCM phản ánh, tranh chấp lao động ngày càng diễn biến phức tạp và hầu hết nguyên nhân xuất phát từ thu nhập của công nhân quá thấp, không theo kịp đà tăng giá sản phẩm hàng hóa. Khi công nhân đình công, chủ doanh nghiệp mới tăng lương.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà nói: “Tôi đề nghị Liên đoàn Lao động TPHCM rà soát chính sách lương, thưởng tại các DN để kiến nghị DN điều chỉnh, tránh tình trạng bãi công xảy ra rồi mới tăng lương. Bất kỳ xung đột giữa công nhân và chủ DN đều có thể gây ra những hậu quả khôn lường”.

Đại biểu HĐND TPHCM Nguyễn Thanh Sơn lưu ý: Nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) báo cáo lỗ để tránh nộp thuế, không tăng lương cho người lao động trong khi công ty mẹ ở chính quốc thì lãi to. Theo đại diện Cục thuế TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2011, ngành thuế thanh tra trên 3.000 DN, truy thu trên 1.100 tỷ đồng. Riêng khu vực vốn FDI đã giảm lỗ theo khai báo của DN trên 550 tỷ đồng.

Về những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra gần đây, đại biểu HĐND TPHCM Huỳnh Công Hùng phân tích: Đời sống công nhân, người thu nhập thấp đang gặp rất nhiều khó khăn. Công nhân dệt may, giày dép với đồng lương 1,5 – 3 triệu đồng/tháng thì không còn khả năng chọn lựa sản phẩm nào là an toàn. Nhiều công nhân cho biết mức thu nhập trên không đảm bảo đời sống, làm khoảng 10 -15 năm thì không còn sức khỏe nhưng vẫn vắt kiệt sức để làm vì không làm không sống được.

“UBND các quận huyện vận động các nhà trẻ tư nhân giữ con cho người nghèo, công nhân không tăng giá nhưng nói thật là rất khó. Nhiều nơi cho biết giá thực phẩm, sữa tăng cao, nếu không tăng giá thì các cháu không đủ ăn” - Ông Hùng nói. Ông Lê Mạnh Hà cũng đề nghị lập barie kiểm soát, ngăn chặn thực phẩm độc hại tràn vào bếp ăn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG