Trong khuôn khổ triển lãm "Những phát hiện mới về khảo cổ học tại khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long từ 2010 đến nay", một trong những bảo vật đáng chú ý nhất là ấn gỗ Sắc Mệnh Chi Bảo thời Trần được khắc vào năm Nguyên Phong thứ 7 (năm 1257) dưới triều vua Trần Thái Tông đã được triều đình sử dụng trong việc lưu hành các văn bản của Nhà nước.
Bên cạnh đó là bảo đao "Cẩn tam khí" thời Trần, thế kỷ 13-14cũngđược phát hiện tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Thanh bảo đao này có các dấu vết chạm khắc hoa văn đều được dát vàng hoặc bạc. Đai kiếm được làm bằng đồng, chuôi kiếm vẫn còn dấu vết gỗ.
Ngoài ra, còn có bộ ba mũ cấm vệ quân thời Lý lần đầu được phát hiện có niên đại vào khoảng thể kỷ 11 - 12. Đây cũng là lần đầu tiên phát hiện được loại di vật quý này.
Cũng trong khuôn khổ triển lãm, còn có sự xuất hiện của những hiện vật quý hiếm khác như lan can thành bậc rồng đá thời Lý thế kỷ 11-12, Ván gỗ trang trí 3 ổ rồng thời Trần thế kỷ 13-14, Lá đề gỗ trang trí hình đầu rồng thời Lý thế kỷ 11-12.
Triển lãm còn giới thiệu hơn 150 hiện vật khảo cổ học mới phát hiện tại một số địa điểm khác cũng nằm trong khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội từ năm 2010 đến nay như ngói lòng máng thời Trần thế kỷ 13 - 14, gạch hình vuông thế kỷ 14, tượng mèo, gốm men trắng thời Lý thế kỷ 12 hay tượng đầu Rồng trang trí góc mái thời Lê, thế kỷ 15 - 17…
Với những di vật quý hiếm xuất hiện trong triển lãm, đây là những kết quả khai quật hết sức quan trọng nhằm góp phần nhận thức sâu hơn về khu di sản Hoàng thành Thăng Long, đặc biệt là những giá trị khảo cổ học trong lòng đất.
Các hiện vật được lựa chọn trưng bày lần này hết sức tiêu biểu, đặc sắc. Đây chính là những minh chứng cho biểu trưng quyền lực của Hoàng gia nói riêng và của Đại Việt nói chung qua các triều đại trong diễn trình lịch sử Đại Việt.