Học sinh lớp 10 nội trú tại Trung tâm GDTX Ea Súp hào hứng làm chuồng gà bằng nguồn hỗ trợ của nhà văn Tam Vũ, thông qua báo Tiền Phong
Trước đó, ngày 8/12 đại diện báo Tiền Phong đã đến thăm, trao tiền hỗ trợ bữa ăn từ tháng 12 đến hết khóa học cho 25 học sinh có nguy cơ phải bỏ học tại TTGDTX huyện Ea Súp. Cô Nguyễn Thị Hồng Phượng- Giám đốc TTGDTX chia sẻ : trước khi viết thư gửi báo Tiền Phong xin giúp đỡ 25 học sinh đều là con em các hộ đồng bào di cư tự do có sổ hộ nghèo phải xin nghỉ học về làm rẫy, cô đã liên hệ nhiều nơi mà không tìm được nguồn hỗ trợ.
Thương trò nghèo, các cán bộ-giáo viên-công nhân viên của TTGDTX đã tự quyên góp được 3,2 triệu đồng, chỉ đủ giúp học sinh đỡ thiếu ăn tới cuối tháng 11/2018. Nhận được thư của cô Phượng, đại diện báo Tiền Phong đã cử PV về Ea Súp tìm hiểu thực tế, rồi hướng dẫn cô Phượng lập dự toán làm chuồng, mua gà cho học sinh nội trú nuôi.
Ngày 26/11 báo Tiền Phong đăng bài “Rưng rưng bữa cơm trò nghèo vùng sâu” về những khó khăn không tự khắc phục được của nhóm học sinh lớp 10 nội trú đang sắp phải bỏ học tại TTGDTX Ea Súp. Cùng ngày, báo Tiền Phong chuyển khoản 5.050.000đ theo dự toán để cô trò Trung tâm tổ chức nuôi gà, đề nghị cô Phượng lập danh sách học sinh thật sự cần giúp đỡ, với mức trợ cấp cần thiết nhằm động viên các em tiếp tục học tập. Trung tâm đã gửi cho báo danh sách 25 học sinh cần hỗ trợ mức 10 nghìn đồng/em/ngày, tổng cộng 35.250.000đ từ tháng 12/2018 đến hết khóa học vào tháng 5/2019.
Thứ bảy cuối tuần, đại diện báo Tiền Phong về Ea Súp theo lịch làm việc đã hẹn với Trung tâm và Huyện đoàn. Cách tỉnh lỵ Đắk Lăk hơn 80km, qua nhiều đoạn đường hư nát, giòng xóc kinh khủng, chúng tôi tới Trung tâm GDTX huyện Ea Súp. Tại đây có cơ sở vật chất khá rộng rãi, đáp ứng nhu cầu vừa dạy chữ, vừa dạy nhiều nghề khác nhau cho thanh niên địa phương. Trung tâm dành 6 phòng cho 30 học sinh lớp 10 có nhà cách trường cả chục cây số ở nội trú, và 1 phòng kho nhốt tạm 65 con gà mới mua cho các em nuôi, chờ gà khỏe hẳn, đủ sức chống được dịch bệnh mới chuyển ra khu chuồng tươm tất làm sẵn phía sau nhà.
Anh Lê Hồng Hạnh-Bí thư Huyện đoàn Ea Súp chia sẻ: Huyện Đoàn biết rõ việc học đầy trắc trở của 25 học sinh này, mà không giúp nổi vì đang “quá tải” với nhiều chương trình thiện nguyện khác, lại còn phát sinh cả trăm em nhỏ vùng sâu đến tuổi đi học chưa được đến lớp, rất cần nguồn hỗ trợ mà tìm chưa ra.
Chương trình Cơm Có Thịt Tây Nguyên của báo Tiền Phong đã hỗ trợ TTGDTX huyện Ea Súp 40.300.000đ. Trong đó, có 5.050.000 đ của nhà văn thiếu nhi Tam Vũ chuyển cho TTGDTX làm chuồng nuôi gà tăng dinh dưỡng bữa ăn. Khoản còn lại trích từ nguồn các tập thể, cá nhân giàu lòng nhân ái ở tỉnh Đắk Lắk đóng góp, để báo Tiền Phong hỗ trợ “Cơm có thịt” cho học trò nghèo tỉnh này.
Tới nay, chương trình Cơm Có Thịt Tây Nguyên đã nhận từ Đắk Lắk: Ông Nguyễn Hải Ninh- Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk 5 triệu đồng; Quỹ Vì Cộng Đồng của Hội Phụ nữ Công an tỉnh Đắk Lắk 10 triệu đồng; Kỹ sư Nguyễn Đăng Phong 10 triệu đồng; Ông Lê Đình Hiền- Chủ tịch HĐQT trường Hoàng Việt 10 triệu đồng; Nhà văn thiếu nhi Tam Vũ 5 triệu đồng; Ông NXL 3 triệu đồng.
Chị Phạm Thục Uyên (Ô tô Công Thành) 2 triệu đồng; BS KNH 1 triệu đồng; Anh Nguyễn Đình Danh 1 triệu đồng; Anh Võ Văn Dũng 500.000đ; Chị Xuân Hương 1 triệu đồng. Nhận từ Hà Nội: Xương Rồng báo TP 3 triệu đồng; KH báo TP 500.000đ; Ông Trần Hùng 2 triệu đồng; Người đẹp Phùng Bảo Ngọc Vân 2 triệu đồng.
Thông qua cách đặt mua lịch “Cơm có thịt” 2019, mỗi cuốn giá 50 nghìn được trích 30 nghìn cho quỹ, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh đặt mua 700 cuốn, góp quỹ Cơm Có Thịt Tây Nguyên 21 triệu đồng, VP báo Tiền Phong Tây Nguyên đặt mua 200 cuốn, góp quỹ 6 triệu đồng.