Bão tan, cử tri Mỹ rối bời

Bão tan, cử tri Mỹ rối bời
TP - Ngày 31 - 10, bão “quái vật” Sandy bắt đầu suy yếu, nhưng tác hại khủng khiếp của nó đang khiến người dân Mỹ rối bời; không ít người suy nghĩ lại về quyết định bỏ phiếu cho ông Obama hay ông Romney.

> Ông Obama được khen khi ứng phó với siêu bão Sandy
> Mỹ: Cuộc sống bị đảo lộn do siêu bão Sandy

Sân bay quốc tế Atlanta vắng vì ảnh hưởng bão
Sân bay quốc tế Atlanta vắng vì ảnh hưởng bão.

Trên chuyến bay từ sân bay Narita (Nhật Bản) đến Atlanta (Georgia - Mỹ), một trong những vùng bị bão tấn công, kỹ sư xây dựng Mike, 56 tuổi, tỏ ra bực bội với bài diễn văn dài 6 phút của ông Barack Obama phát đi từ Nhà Trắng rằng Tổng thống không quan tâm ảnh hưởng của bão tới bầu cử mà lo lắng cho người dân hơn.

Mike vừa có chuyến công tác tại Trung Quốc, phải chờ đợi vật vã suốt hai ngày qua mới có thể lên máy bay trở về Mỹ và chắc chắn ngày 6 - 11 sẽ đi bầu cử tổng thống.

Theo ông Mike, những lời có cánh của chính trị gia thường thu hút được sự ủng hộ của nhiều người, nhưng với những cử tri dày dạn kinh nghiệm, điều này nhiều khi phản tác dụng vì lời nói, lời hứa và hành động thực tế thường khác nhau.

Sân bay quốc tế Atlanta vắng hẳn do nhiều chuyến bay bị hủy. Bão Sandy, một trong những cơn bão tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ, cướp đi sinh mạng của ít nhất 50 cử tri Mỹ (riêng New York có 25 người) và gây thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu lên tới 20 tỷ USD hiển nhiên là sự kiện thu hút sự quan tâm lớn nhất, đẩy bầu cử tổng thống xuống thứ yếu dù đã đến rất gần.

Người dân Mỹ gặp nhau ở sân bay, ga tàu điện ngầm, nhà hàng, bar hay lên taxi…, câu đầu tiên là hỏi về ảnh hưởng của bão.

Trang nhất các tờ báo hay màn hình tại những nơi công cộng liên tục đưa tin về hậu quả của bão, thay cho chiến dịch vận động tranh cử của ông Obama và ông Romney.

Ibrahim, 42 tuổi, gốc Ai Cập, lái xe taxi tại thành phố biển Tampa (bang Florida), đột nhiên hào hứng đến lạ thường khi được hỏi về cuộc bầu cử tổng thống.

Ibrahim cho biết, ông từng bỏ phiếu cho ông Obama cách đây 4 năm vì lời hứa sẽ mang tới nhiều sự thay đổi.

“Sau 4 năm, mọi việc dường như vẫn thế. Chính trị gia nào cũng vậy, hứa thật nhiều để lấy lòng cử tri”, ông Ibrahim nói.

Được hỏi liệu sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên Romney hay không, ông Ibraham nói ông và nhiều cử tri đã quá mệt mỏi, không còn tin vào lời hứa dù đó là của một nhân vật mới nên không muốn thay đổi quyết định.

Ông Ibrahim cho biết đài phát thanh vừa đưa tin ông Romney có kế hoạch bay tới Florida để vận động tranh cử sau khi bão tan và sẽ lại có những lời hứa.

“Tôi sẽ vẫn bỏ phiếu cho ông Obama không phải vì những gì Tổng thống đã làm được cho nước Mỹ, người dân Mỹ mà vì nhân vật mới (ông Romney) dù đã gây ấn tượng với những hứa hẹn, nhưng tôi và nhiều đồng nghiệp chắc chắn sẽ không tin”, ông Ibrahim nói.

Trở lại sau bão

Dù không bị bão tấn công trực tiếp, nhưng ảnh hưởng của nó cũng hiện rõ tại thành phố biển Tampa (Florida), một trong hai điểm được xem là nóng nhất của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2012.

Mới 8 giờ tối, thành phố đã vắng hoe, hầu hết cửa hàng, điểm vui chơi công cộng đóng cửa vì ảnh hưởng của gió bão, không khí lạnh tràn về.

Tòa thị chính, Sở Cảnh sát, Nhà hát thành phố, Quảng trường Lykes, phố Franklin, Tampa…, nơi thường diễn ra các cuộc vận động tranh cử, cũng vắng đến lạ thường.

Ông Harle, chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Franklin, tâm sự đang trông chờ một ngày nóng bỏng của chiến dịch tranh cử tổng thống sau thời gian ảm đạm do bão.

“Ứng cử viên đảng Cộng hòa Romney đã xuống sân bay Tampa tối 30 - 10 (sáng 31 - 10 theo giờ Hà Nội) nên ngày mai sẽ hâm nóng toàn thành phố”, ông Harle nói.

Florida cùng Ohio được xem là hai bang “chiến trường” quyết định trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay nên việc ông Romney chọn Tampa, một trong hai thành phố lớn, quan trọng nhất của Florida, để xuất hiện trở lại sau bão Sandy là điều dễ hiểu.

Dường như để tránh bị chỉ trích vì trở lại chiến dịch vận động tranh cử quá sớm sau bão (trong khi đối thủ Obama vẫn ở lại Washington để chỉ huy giải quyết hậu quả bão), kế hoạch của ông Romney tại Tampa là gây quỹ để giúp đỡ những vùng bị ảnh hưởng của bão.

Trong quán rượu nhỏ ở số 719 phố Franklin, Joe, 30 tuổi, quản lý một siêu thị gần đó, đang tụ họp cùng nhóm bạn, cho biết các sự kiện liên quan bầu cử bị hoãn hoặc hủy hết.

Joe tâm sự anh và nhóm bạn không quan tâm lắm tới bầu cử vì ai làm tổng thống thì cuộc sống của họ dường như cũng không thay đổi mấy.

Đánh giá cao về hành động của Tổng thống Omaba trong việc hủy, hoãn các cuộc vận động tranh cử để tập trung lo đối phó bão, Joe và những người trong nhóm bạn đang nghiêng về ứng cử viên đảng Dân chủ nhưng vẫn chưa ra quyết định cuối cùng.

“Tổng thống hay ứng cử viên tổng thống thường ở rất xa dù rằng chính lá phiếu của những người như chúng tôi quyết định đưa họ vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn sẽ đi bầu cử để thể hiện trách nhiệm và chắc chắn sẽ suy nghĩ rất nghiêm túc mới đi đến quyết định bỏ phiếu cho ai”, anh Joe nói.

Trí Đường
Từ Atlanta - Georgia, Tampa - Florida

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG