Theo bản tin mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 10 giờ sáng nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 360km, cách Phan Rang (Ninh Thuận) khoảng 370km, cách Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) khoảng 560km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.
Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 180km tính từ tâm bão. Dự báo trong 24 giờ tới,bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và có khả năng mạnh thêm
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc, điểm đặc biệt lần này là bão số 9 có sự tương tác của không khí lạnh (KKL) đổ bộ xuống nước ta trước đó. Sự tương tác này làm cho sự phân bố lượng mưa, gió mạnh của cơn bão ở khu vực ven biển và trên đất liền tương đối phức tạp. Về gió, do sự tương tác, gió ở phần phía tây và tây bắc cơn bão sẽ mạnh lên. Trước khi bão vào bờ thì vùng ảnh hưởng trên đất liền đã có gió mạnh nhưng sau khi bão đổ bộ gió sẽ yếu nhanh.
Về mưa, do ảnh hưởng của KKL nên mưa sẽ xuất hiện trước ở Trung Trung bộ, từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Sau khi bão đổ bộ, mưa dịch xuống phía nam, trọng tâm là các tỉnh từ Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Mưa lớn nhất sẽ tập trung trong ngày và đêm 24/11, là thời điểm có sự kết hợp của bão và không khí lạnh. Trọng tâm mưa thuộc các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
Khu vực Nam bộ, trước khi bão vào hầu như không mưa, sau khi bão đổ bộ, từ ngày 25/11, khu vực Nam bộ sẽ tăng nhưng cường độ mưa không cao như Trung Trung bộ và Nam Trung bộ.
Theo bản tin mới nhất phát đi, từ ngày hôm nay (23) đến 26/11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và Nam Tây Nguyên có mưa rất to (300-500mm/đợt); Bắc Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to (100-200mm/đợt).
Theo ông Lâm, một điểm lưu ý là sau khi đổ bộ vào bờ, mưa ở Nam bộ và Nam Trung bộ kết thúc nhanh nhưng Trung Trung bộ mưa vẫn còn duy trì trong nhiều ngày, có thể 5-7 ngày tới do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc kết hợp địa hình của dãy trường sơn.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết thêm, bão số 9 có thể tương tác với KKL và trôi xuống phía nam, vùng ảnh hưởng dịch chuyển từ Bình Thuận đến Bà Rịa- Vũng Tàu và gây gió mạnh tại đây.
Về gió mạnh, ông Hưởng cho biết thêm, từ chiều 23/11, vùng biển từ Khánh Hòa, Bình Định đến khu vực Bà Rịa- Vũng Tàu có gió mạnh cấp 6, cấp 7. Sáng ngày 24 gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10. Đất liền các tỉnh Phú Yên Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa- Vũng Tàu từ sáng 24/11 có gió mạnh cấp 6, tăng dần lên khi bão dịch chuyển sát vào đất liền. Khu vực tâm bão đi vào, có thể có gió mạnh cấp 8, 9 giật cấp 12.
Ông Hưởng cho biết thêm, so với bão số 8, bão số 9 có một vùng ảnh hưởng rộng lớn. Nếu như bão số 8 chỉ tập trung Nam Trung bộ với trọng tâm là Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận thì bão số 9 có vùng ảnh hưởng rộng lớn, trải dài từ Quảng Ngãi tới Bà Rịa Vũng Tàu và Đông Nam Bộ.