> Dự báo bão của VN chính xác hơn nước ngoài?
> Bão số 3 đi nhanh bất ngờ, thiệt hại ít
Trước thực tế bão số 3 đã không “hết sức phức tạp, cực kỳ nguy hiểm” như dự báo mà tan nhanh trước khi vào đất liền, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương (Trung tâm), khẳng định, dự báo như thế là chính xác.
“Nói chúng tôi dự báo chính xác được bao nhiêu phần trăm là rất khó. Về khu vực đổ bộ, ngay từ đầu (ngày 27-7) chúng tôi đã khẳng định bão sẽ vào Việt Nam. Ba, bốn ngày sau, chúng tôi xác định bão sẽ vào Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Khi bão đi qua đảo Hải Nam, chúng tôi xác định trọng tâm của bão sẽ đổ vào các tỉnh Trung Bộ. Cách một ngày trước khi bão vào đất liền, chúng tôi xác định tâm bão vào Thanh Hóa, Nghệ An. Thực tế đúng như vậy”.
Về thời gian, ông Tăng cho biết, việc dự báo cũng hoàn toàn phù hợp. Về cấp độ bão, ba ngày trước khi bão cập bờ, Trung tâm xác định bão cấp 9, 10, sau đó xác định bão cấp 8, 9. Thực tế đổ bộ thấp hơn dự báo một cấp. “Sai 1 cấp là sai số cho phép” - Ông Tăng nói và đưa ra các dự báo của Nhật, Mỹ, Trung Quốc. Theo đó, hầu hết các nước này đều kiên định rằng bão Nockten sẽ đổ bộ vào Thanh Hóa, Nghệ An với cường độ cấp 8, cấp 9. Thậm chí Trung Quốc còn nhận định bão mạnh cấp 10.
Ông Tăng cho biết, dự báo lượng mưa 300 - 400ml là khi bão ở xa, với dự báo cường độ mạnh. Khi đó bão Nockten chưa bị ảnh hưởng bởi cơn bão Muifa đang ở ngoài khơi.
“Bốn ngày trước khi bão Nockten vào bờ, Trung tâm dự báo mưa toàn Bắc Bộ, mưa ở vùng tâm bão khoảng 300 - 400ml. Ngày 27-7 dự báo có thể mưa 300 - 400ml, nhưng sau đó thay đổi từng giờ một. Phải căn cứ vào thông tin mới nhất với những diễn biến mới nhất. Có những yếu tố khó lường xuất hiện. Đó là lý do chúng tôi phải theo dõi và cập nhật một tiếng một lần. Dự báo lượng mưa chỉ để tham khảo thôi chứ tính chính xác thấp
lắm” - ông Tăng nói. Trước nhận định về sự “phức tạp, nguy hiểm” của cơn bão số 3, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa đã ra sức đối phó. Ước tính đã có 44.000 người được sơ tán khỏi các vùng ven biển.
Có chuyện mưa rất ít so với dự báo PGS.TS Phan Văn Tân (Chủ nhiệm Bộ môn Khí tượng, Khoa Khí tượng Thủy văn&Hải dương, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), nói: Tôi cũng rất ngạc nhiên trước một hiện tượng dị thường là bão số 3 cho mưa rất ít, đặc biệt ngay cả những vùng mà theo qui luật đáng ra phải có mưa lớn, thậm chí rất lớn. Lượng mưa lớn nhất do bão (hình như vậy) chỉ đo được ở vùng Nam Nghệ An (Vinh, Hòn Ngư). Phía Bắc Nghệ An, Thanh Hóa đều nhỏ quá mức bình thường. Tôi đã gửi thông tin này cho một số đồng nghiệp của tôi, TS Kiều Quốc Chánh, đang đi công tác ở Mỹ, đề nghị anh Chánh tìm hiểu sâu trường hợp này như một nghiên cứu trường hợp điển hình. Bão số 3 thực tế là một cơn bão không mạnh nhưng có tốc độ di chuyển khá nhanh. Quỹ đạo của bão về cơ bản tương đối đơn giản. Mặc dù vậy cũng đã có hai lần đổi hướng phức tạp. Lần thứ nhất, nó đổi hướng ngày 24-7, lúc đang còn ở phía đông Philippines. Lần thứ hai cuối ngày 29-7, trước lúc suy yếu thành một vùng áp thấp (chưa đạt đến cường độ bão). Theo dõi quá trình cập nhật các bản tin dự báo quỹ đạo, tôi nhận thấy không có vấn đề gì đáng chê trách Trung tâm DBKTTV. Phạm vi bão hoạt động khi chuẩn bị đổ bộ vào bờ “từ Thái Bình đến Hà Tĩnh” được giới chuyên môn ngầm hiểu là tâm bão có thể đi qua Bắc Nghệ An, Nam Thanh Hóa. Và điều đó đã xảy ra. Cái bất ngờ của cơn bão là nó suy yếu thành vùng áp thấp ngay khi đang còn ở trên biển. Thông thường, bão chỉ suy yếu sau khi đi vào đất liền. Tuy nhiên, dù là vùng áp thấp thì việc mưa quá ít cũng là một dị thường của trường hợp này. Ai đó đổ cho cơ quan dự báo như thế là thiếu xây dựng. Đổ lỗi không đúng dễ làm các nhà chuyên môn nhụt chí và chẳng có lợi cho ai cả. Như tôi nói ở trên, sự phức tạp của biến đổi khí hậu làm hiển hiện một thực tế ngày càng rõ. Đấy là vấn đề dự báo thời tiết dựa vào kinh nghiệm có thể trở nên kém hiệu quả hơn. Quốc Dũng (ghi) |