Bảo mật nghiêm ngặt, không để lộ, lọt thông tin khi tham gia bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo giải trình Quốc hội
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo giải trình Quốc hội
TPO - “Thông tin được mã hóa và được phân cấp quản lý đúng quy định, chịu trách nhiệm bảo mật về thông tin”, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ về băn khoăn, lo ngại mà đại biểu phản ánh.

20 năm chỉ bồi thường 339 nghìn tỷ

Sáng 29/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi. Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Lâm Văn Đoan (Lâm Đồng) tán thành sự cần thiết bổ sung các quy định về bảo hiểm vi mô do luật hiện hành không có quy định riêng. Ở Việt Nam thời gian qua có 3 công ty được Bộ Tài chính phê duyệt kinh doanh bảo hiểm vi mô, chỉ có Công ty Manulife còn thực hiện một loại hình kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.

“Đất nước cũng đang rất cần nguồn vốn có được từ lĩnh vực này để bảo hiểm cho sức khỏe nhân thọ, phi nhân thọ và để đầu tư trở lại vào nền kinh tế của đất nước”, ông Nguyễn Anh Trí.

“Các tập đoàn nước ngoài này đều có 14 – 22 năm hoạt động trên thị trường bảo hiểm Việt Nam. Tuy nhiên, sự tham gia bảo hiểm vi mô cũng rất khó khăn. So với lợi nhuận do bảo hiểm thương mại mang lại, thì lợi nhuận từ bảo hiểm vi mô của các công ty cũng rất khiêm tốn, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ bé”, đại biểu cho hay.

Liên quan đến cơ sở dữ liệu thông tin, theo đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (TP Hà Nội), ngay khi lấy ý kiến, đã có nhiều tin nhắn, hoặc ý kiến thể hiện sự lo lắng về tính bảo mật thông tin cá nhân đối với cả người mua và người được bảo hiểm. Do vậy, rất cần bổ sung vào hợp đồng bảo hiểm quy định chỉ khi được sự đồng ý của người mua hoặc người được bảo hiểm mới được cung cấp thông tin.

“Nếu chỉ quy định một điều khoản trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm như dự thảo thì chưa đầy đủ, đề nghị phải bổ sung điều, khoản quy định trách nhiệm của tất cả các cơ quan, cá nhân có quyền tiếp cận được cơ sở dữ liệu này, phải có trách nhiệm bảo mật thông tin và phải chịu xử lý khi để lọt, lộ thông tin”, bà Mai đề nghị.

Mặc dù luôn có sự gia tăng, song đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, ngành bảo hiểm chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng. Số doanh nghiệp tham gia kinh doanh ở Việt Nam không nhiều, song lại chủ yếu là các đơn vị bảo hiểm ở nước ngoài. Đặc biệt, tổng tài sản toàn thị trường bảo hiểm chỉ đạt 573 nghìn tỷ đồng, mức bồi thường bảo hiểm trong 20 năm qua cũng chỉ 339 nghìn tỷ đồng, "quy mô nhỏ, hiệu quả ít, do vậy phải sửa đổi theo hướng cập nhật".

Theo đại biểu đoàn Hà Nội, điều quan trọng khi sửa đổi là phải tạo ra hành lang pháp lý tốt nhất, hội nhập nhất, tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn nhất. Thị trường kinh doanh bảo hiểm còn rất phong phú, dư địa rất rộng nên làm sao để bảo hiểm hoạt động ở Việt Nam tốt hơn giai đoạn vừa qua.

“Đất nước cũng đang rất cần nguồn vốn có được từ lĩnh vực này để bảo hiểm cho sức khỏe nhân thọ, phi nhân thọ và để đầu tư trở lại vào nền kinh tế của đất nước”, ông Trí cho hay.

Theo đại biểu Trí, hiện còn 9 triệu người chưa tham gia bảo hiểm y tế. Đây là thị trường rất tiềm năng. Đại biểu hi vọng 50% số đó tham gia bảo hiểm sức khoẻ. “Thị trường kinh doanh bảo hiểm sức khỏe phù hợp, ưu việt của cơ chế thị trường về mệnh giá, về chi trả, về lựa chọn thầy, lựa chọn thuốc, lựa chọn nơi khám, chữa bệnh cho nên khả năng phát triển là rất cao”, ông Trí nhìn nhận.

Bảo mật nghiêm ngặt, không để lộ, lọt thông tin khi tham gia bảo hiểm ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)

Bảo hiểm “vỡ” cũng giống ngân hàng “vỡ”

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp và hoàn thiện dự thảo, điều chỉnh thời gian có hiệu lực từ 1/1/2023, thay vì ngày 1/7/2023 như dự thảo.

Về bảo hiểm vi mô, theo ông Phớc, đây là một loại hình bảo hiểm mới, mang tính lợi nhuận không cao, lại rủi ro. Cho nên cần phải có sự linh hoạt, vì vậy được đề nghị đưa vào dự thảo nghị định của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay bảo hiểm vi mô chỉ có Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang thực hiện và sản phẩm chỉ bằng 5 lần mức thu nhập của hộ nghèo thành thị và cận nghèo, như vậy chỉ dưới 100 triệu đồng mức tối đa của bảo hiểm.

Liên quan đến lo ngại về bí mật thông tin cá nhân, ông Hồ Đức Phớc khẳng định, dự thảo đã quy định rất rõ việc cung cấp thông tin, tuân thủ theo quy định Hiến pháp, Luật Dân sự, Luật An ninh mạng và các luật khác.

“Thông tin được mã hóa và được phân cấp quản lý đúng quy định, chịu trách nhiệm bảo mật về thông tin”, ông Phớc nhấn mạnh.

Liên quan đến chứng chỉ, theo ông Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính chỉ giữ vai trò tổ chức thi và cấp chứng chỉ, vì bảo hiểm là một ngành kinh doanh có điều kiện cũng giống chứng khoán, kiểm toán và định giá. Các loại hình này đều tổ chức thi và cấp chứng chỉ để quản lý một cách có chất lượng, đây cũng là chuyên ngành sâu, cho nên cần phải quản lý.

“Khi một doanh nghiệp bảo hiểm mà vỡ thì cũng giống như ngân hàng thương mại vỡ, nó ảnh hưởng đến quyền lợi của rất nhiều người tham gia bảo hiểm và an toàn xã hội. Đây là luật có tính chất chuyên môn cao cho nên cơ quan chủ trì sẽ phối hợp với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật hoàn thiện để đảm bảo luật một cách tốt nhất”, ông Hồ Đức Phớc cam kết.

MỚI - NÓNG