Bạo lực học đường: Có lỗi không nhỏ của người lớn

Quang cảnh tọa đàm tại báo Tiền Phong. ảnh: P.V
Quang cảnh tọa đàm tại báo Tiền Phong. ảnh: P.V
TP - Tại Tọa đàm “Ngăn ngừa bạo lực học đường - Để trẻ em không đơn độc”, do báo Tiền Phong tổ chức chiều 8/4, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho rằng, lỗi không hoàn toàn thuộc về các em mà có phần trách nhiệm không nhỏ của những người giáo dục, quản lý, chăm sóc các em chưa sát sao, chu đáo.

Có mặt từ rất sớm, anh Nguyễn Văn Doanh, chú ruột nữ sinh N.T.H.Y (nạn nhân bị 5 bạn nữ cùng lớp bạo hành tập thể phải nhập viện tâm thần điều trị ở Hưng Yên) chia sẻ, cháu Y hiện đã xuất viện nhưng vẫn sống trong cảnh sợ hãi. Đêm ngủ cháu liên tục giật mình và chưa dám đến trường. Khi hỏi, cháu vẫn trả lời, rất sợ hãi nhóm bạn đã đánh hội đồng mình.

Anh Doanh một lần nữa nghẹn ngào chia sẻ lại sự việc cháu H.Y bị đánh đập, lột đồ. Tuy nhiên, khi chưa được xem video, anh chỉ biết sự việc qua bản tường trình và học sinh kể lại nên đã đứng ra xin giảm nhẹ hình phạt cho các học sinh tham gia đánh cháu mình chỉ vì nghĩ kỳ thi vượt cấp đã cận kề. Khi đó, hiệu trưởng, hiệu phó và giáo viên chủ nhiệm đều nói video bị mờ, nội dung không có gì và đã yêu cầu học sinh xóa. Tuy nhiên, khi xem được đoạn video do người dân cung cấp, anh đã “không thể nào chịu được và cũng không biết làm sao để giải oan cho cháu”. Sau đó, anh  đã mang video đến trình diện công an và các nhà chức trách có thẩm quyền đến giúp gia đình lấy lại công bằng cho cháu, giúp cháu đỡ bị thiệt thòi về tâm lý đeo đẳng cháu suốt cuộc đời.

Ông Bùi Văn Linh- Phó Vụ trưởng phụ trách Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho rằng, trong sự việc bạo hành học sinh ở Hưng Yên, Bộ GD&ĐT cũng như Bộ trưởng đã hành động khẩn trương, thể hiện thái độ không khoan nhượng, kiên quyết xử lý.

Ông Linh khẳng định, “Quan điểm chung giữa các bộ ngành đều đã thể hiện thái độ nói không với bạo lực học đường, lên án các hành vi trong thời gian vừa qua, đưa ra các giải pháp để con em chúng ta có môi trường an toàn, lành mạnh”- Ông Linh nói.

Còn ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) chia sẻ, mỗi lần xuất hiện một video bạo lực trẻ em, bạo lực học đường chúng ta lại bị sốc. Những người như ông, không muốn xem hết các clip như vậy vì không chịu nổi. 

Theo ông Nam, bạo lực học đường trước đây vẫn có nhưng thường ẩn giấu phía sau nhà trường, lớp học. Ngày nay với sự hỗ trợ của các phương tiện công nghệ, sự việc được đưa ra ánh sáng nhiều hơn. Xu hướng xâm hại trẻ em nói chung và bạo lực học đường nói riêng, thông qua các kênh thông tin, sự việc chúng ta được biết, được nghe sẽ tăng lên. Bởi nhận thức người dân, xã hội tăng lên, thay vì im lặng họ sẽ tố cáo sự việc nhiều hơn. Hơn nữa khi các vấn đề được pháp luật quy định chặt chẽ thì niềm tin của người dân cũng tăng lên.

“Từ đó, số cuộc gọi tố cáo xâm hại, bạo lực trẻ em tăng lên rất nhanh. Trong thời gian tới phần chìm của tảng băng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em sẽ ngày càng lộ rõ hơn, chúng ta nên chuẩn bị tâm thế cho sự lộ sáng này”, ông Nam nói.

MỚI - NÓNG