Bạo lực gia đình: Khi người vợ bị đẩy vào đường cùng

TP - Hàng loạt các vụ án gần đây có nguyên nhân từ bạo hành gia đình, nhiều phụ nữ bị nạn bạo hành đẩy vào đường cùng.

Bạo lực gia đình: Khi người vợ bị đẩy vào đường cùng ảnh 1 Căn nhà (bên phải) nơi đã từng xảy ra vụ án mạng liên quan đến xung đột gia đình tại xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: Hà Anh 

Những vụ việc đau lòng

Theo Công an thành phố Hà Nội, hiện chưa có thống kê riêng đối với những vụ án về bạo hành trong gia đình. Tuy nhiên, những vụ án này thường gây bức xúc trong xã hội do hành vi độc ác của chính những người chồng, người cha gây ra cho vợ và con mình. 

Chỉ từ cuối năm 2013 đến nay tại Hà Nội đã xảy ra hàng chục vụ trọng án liên quan đến bạo hành gia đình. Điển hình là vụ việc xảy ra vào hồi 17h 30 ngày 30/1/2014. Do mâu thuẫn vợ chồng, Trương Văn Hà (SN 1976) thường trú tại số 18 ngõ Y, Vạn Phúc quận Ba Đình đã hành hung vợ là chị Trương Thị Lan Phương (SN 1979). Không dừng lại ở đó, Hà dùng súng quân dụng bắn vợ làm chị Lan tử vong. 

Vụ việc tiếp theo xảy ra vào ngày 18/6/2014, do mâu thuẫn việc gia đình, Đỗ Đức Quân (SN 1983), trú tại phường Xuân Đỉnh đã dùng dao đâm vợ là chị Lê Thị Minh Hằng, (SN 1990) khiến chị Hằng tử vong. Ngay trong ngày, Phòng PC45 phối hợp với Công an quận Bắc Từ Liêm tiến hành điều tra vụ giết người và bắt giam hung thủ. 

Ngoài ra, hàng loạt vụ án khác cho dù là người vợ thủ phạm gây ra cái chết cho người chồng cũng có nguyên nhân từ nạn bạo hành gia đình.
Còn nhớ, vụ án được đưa ra xét xử trong năm 2013 từng gây nhức nhối dư luận là vụ chị Đỗ Thị Minh trú tại Cao Viên huyện Thanh Oai, Hà Nội dùng kéo đâm chết chồng. 

Nguyên nhân bắt nguồn từ việc cuộc sống của gia đình gặp khó khăn khi chồng chị là anh Hòa không có việc làm, thu nhập bấp bênh, mọi việc phải lo đổ dồn lên vai người vợ.

Ngoài việc đồng áng, chị Minh phải chạy chợ buôn bán và là trụ cột chính trong gia đình. Anh chồng không những không động viên vợ mà mỗi lần uống rượu say lại trút lên vợ những cú đấm, đạp, mắng chửi. 

“Phụ nữ nông thôn bất đắc dĩ mới phải làm đơn lên chính quyền tố cáo chồng mình. Hầu hết đều chọn giải pháp im lặng chịu đựng. Họ rất sợ điều tiếng dị nghị của xóm làng. Vì vậy áp lực với phụ nữ nông thôn lại càng lớn khi bị bạo hành”.

Chị Đinh Thị Hòa, Chủ tịch Hội LHPN xã Đồng Tân, Ứng Hòa, Hà Nội

Nhận những trận đòn liên miên của chồng, chị Minh một mực nín nhịn, cắn răng chịu đựng. Cho đến một buổi chiều, khi chị Minh vừa đi chợ về, anh Hòa đã uống rượu say lại gây gổ với vợ.

Thấy chồng như vậy, chị Minh đã bỏ sang nhà bà cô ruột gần đó. Được 20 phút nghe tiếng đập phá từ nhà, chị chạy về thấy chồng đang ném quần áo và đổ dầu vào châm lửa đốt. 

Khi lao vào can ngăn, chị Minh bị chồng đấm đá khắp người. Chính lúc đó chị Minh đã vớ được chiếc kéo. Trong cơn giận không kiềm chế được chị đã nhằm chồng đâm liên tục khiến anh Hòa tử vong.

Một vụ việc khác từng gây chấn động cả một vùng quê xã Đồng Tân huyện Ứng Hòa là vụ việc nửa đêm người vợ dùng dao đâm chết chồng do bị người chồng ham chơi bời, cờ bạc hành hạ nhiều năm. Kết cục là người chồng tử vong còn người vợ bị tuyên phạt 20 năm tù để lại hai đứa con thơ dại…

Nguyên nhân từ sự bất bình đẳng

Trao đổi với PV Tiền Phong, chị Đinh Thị Hòa, Chủ tịch Hội LHPN xã Đồng Tân, Ứng Hòa, Hà Nội cho biết, trong 4 năm qua Hội Phụ nữ xã chỉ nhận được đơn của 5 chị em đề nghị giúp đỡ khỏi tình trạng bạo lực gia đình. Tuy nhiên đây là con số không phản ánh được thực tế của tình trạng này.

“Phụ nữ nông thôn bất đắc dĩ mới phải làm đơn lên chính quyền tố cáo chồng mình. Hầu hết đều chọn giải pháp im lặng chịu đựng. Họ rất sợ điều tiếng dị nghị của xóm làng. Vì vậy, áp lực với phụ nữ nông thôn lại càng lớn khi bị bạo hành”, chị Hòa nói. 

Bạo lực gia đình: Khi người vợ bị đẩy vào đường cùng ảnh 2

Chị Đinh Thị Hòa, Chủ tịch Hội LHPN xã Đồng Tân, Ứng Hòa, Hà Nội

Cũng theo chị Hòa, có trường hợp bị chồng đánh nhiều lần đến mức bị thương phải nhập viện, người vợ mới có ý kiến đến tổ chức Hội Phụ nữ xã. Những gia đình có bạo hành, không khí hết sức ngột ngạt. Con cái không được chăm sóc, chểnh mảng học hành.

Nguyên nhân bạo hành gia đình tại xã Đồng Tân có nhiều nhưng theo ghi nhận của Hội Phụ nữ tại đây thì chủ yếu có nguyên nhân từ người chồng.

Chị Lê Kim Anh, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội cho hay, hiện nay chưa có thống kê đầy đủ nào về thực trạng bạo lực gia đình tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo báo cáo nghiên cứu quốc gia thì cứ 3 phụ nữ thì có 1 người phải chịu một trong 4 hình thức bạo lực (thể chất, kinh tế, tinh thần và tình dục). 

Thực tế, không thể nói một người phụ nữ bị bạo hành thì chỉ chịu một hình thức mà thông thường họ phải chịu từ 2 đến 3 hình thức bạo hành đi liền với nhau. Ví dụ như bạo lực tinh thần thì đi đôi với bạo lực về thể chất hoặc kinh tế. Đây là những con số giật mình, đáng báo động. 

Bạo lực gia đình không phải chỉ diễn ra ở vùng sâu, vùng xa mà có mặt ở khắp nơi, liên quan cả những người điều kiện sống thấp và những người có thu nhập cao. Nguyên nhân sâu sa của bạo lực gia đình là do sự bất bình đẳng trong gia đình, sự thiếu tôn trọng lẫn nhau giữa chồng và vợ.

Cũng theo chị Kim Anh, nhiều khi thể hiện bên ngoài có thể là do kinh tế khó khăn, do nguyên nhân này kia nhưng thực chất là có phần từ sự bất bình đẳng. “Các cụ nói “bát đũa còn có lúc xô”, có thể kinh tế khó khăn nhưng nếu tôn trọng nhau thì ứng xử cũng khác”, chị Kim Anh nói.

Bạo lực trong gia đình gây áp lực tâm lý và tác động thể chất hết sức nặng nề đối với các thành viên trong gia đình. Hậu quả lớn nhất không chỉ là tan vỡ hạnh phúc gia đình, không chỉ với người phụ nữ mà còn ảnh hưởng nặng nề tới thế hệ tương lai sau này là trẻ em. Ngay cả khi trẻ em đã đến tuổi trưởng thành thì những ảnh hưởng vẫn rất mạnh. 

Những vụ việc được cơ quan pháp luật xử lý mới chỉ là bề nổi của thực trạng chứ không thể hiện được đầy đủ tình hình. Phổ biến nhất hiện nay đó là tình trạng bạo lực âm thầm trong các gia đình.

“Tôi đã tham khảo cả các tỉnh thành và quốc gia khác thì hơn 80% số các vụ việc diễn ra trong gia đình và thường không ai nói ra”. Sự chia sẻ của cộng đồng còn hạn chế, nhất là các vùng nông thôn khiến chị em rất lo ngại điều tiếng. Thậm chí có bạo lực về thể chất nhưng nếu phụ nữ không nói ra thì cũng không mấy ai biết.

Còn hình thức

Theo Hội LHPN Hà Nội, nhiều quy định của pháp luật hiện nay về bảo vệ phụ nữ, chống lại nạn bạo hành trong gia đình tồn tại hết sức hình thức! Nghị định 167/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình có nhiều điều khoản bất hợp lý, không có tính răn đe.

Trong quy định của Luật Phòng chống bạo lực gia đình có quy định UBND xã, phường, thị trấn có quyền cấm tiếp xúc giữa người có hành vi bạo lực và người bị bạo hành.

“Trong thực tế tôi chưa thấy một trường hợp nào UBND cấp xã, phường thực hiện quy định này”, chị Lê Kim Anh, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho hay.

Ví dụ thứ hai là quy định buộc thành viên gây ra bạo hành phải ra khỏi nơi ở hợp pháp và bị phạt từ 100.000 VND đến 500.000 VND. Người có hành vi kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình thì bị phạt từ 100.000 VND đến 500.000 VND… rất ít khi được thực thi trong thực tế. Chị Kim Anh cho rằng, chính quyền cấp xã, phường chưa thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình.

Cụ thể như quy định hàng năm trong phiên họp tổng kết của HĐND, thì UBND cấp xã trong báo cáo tình hình KTXH phải có nội dung về tình hình bạo lực gia đình tại địa phương và tình hình thực hiện luật phòng chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, qua phản ánh của Hội Phụ nữ cơ sở thì gần như không mấy nơi thực hiện quy định này…

Theo Hội LHPN Hà Nội, nhiều quy định của pháp luật hiện nay về bảo vệ phụ nữ, chống lại nạn bạo hành trong gia đình tồn tại hết sức hình thức! Nghị định 167/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình có nhiều điều khoản bất hợp lý, không có tính răn đe.

MỚI - NÓNG