Ngày 8/10, TPHCM đã tổ chức họp báo về diễn đàn Kinh tế TPHCM 2019 với chủ đề “Phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”.
Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP, TPHCM là đầu tàu kinh tế, trung tâm thương mại, trung tâm tài chính cửa ngõ giao lưu quốc tế của cả nước. Khát vọng của TP không chỉ là duy trì được vị trí dẫn đầu cả nước, mà còn thu hẹp và tiến tới bắt kịp các TP thành công trong khu vực Đông Nam Á và châu Á nói chung.
“Trong thời đại toàn cầu hóa toàn diện về thương mại, đầu tư, tài chính và công nghệ ngày nay, một cách để đạt được khát vọng này là TPHCM bắt nhịp với xu thế của thời đại, biến mình trở thành trung tâm tài chính của khu vực và từng bước tiến lên phạm vi toàn cầu” – ông Dũng cho biết.
Tuy nhiên, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, TPHCM trước khi trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thì phải trở thành trung tâm tài chính thực thụ và hiệu quả của quốc gia. Đây là ưu tiên của quốc gia chứ không phải ưu tiên của riêng TPHCM. Khoảng 45% GDP đến từ vùng Nam Bộ, cộng thêm cả vùng đồng bằng Sông Cửu Long thì quy mô sẽ còn lớn hơn; giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, FDI… tất cả những điều này giúp TPHCM như điểm giao thoa giữa Đông và Tây Nam Bộ, là trung tâm hoặc đầu mối để Trung ương thực hiện các chính sách phát triển quốc gia của mình.
“TPHCM cùng với các tỉnh khu vực Đông và Tây Nam Bộ có tốc độ phát triển cao, đây là điều cơ bản để hậu thuẫn cho TPHCM trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế, bởi nếu không có nhu cầu thị trường lớn, không có điểm kết nối nhu cầu với quốc tế thì rất khó để trở thành trung tâm tài chính” – TS Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh .
Tuy nhiên, ông Tự Anh cũng lưu ý những thách thức TPHCM phải đối mặt. Đầu tiên đó là sự cạnh trạnh. Bởi không chỉ TPHCM muốn trở thành trung tâm tài chính khu vực quốc tế mà các quốc gia khác cũng muốn làm điều này. Vì vậy TPHCM sẽ phải cạnh tranh gay gắt, nhất là trong bổi cảnh toàn cầu hóa như hiện nay.
TPHCM phải thay đổi tư duy hiện nay, thay đổi tầm nhìn, chiến lược cùng với sự học hỏi cần thiết như tiền đề về giao thông, tài chính, hạ tầng cơ sở, thể chế, con người, môi trường… Đây là điều mà bất kỳ trung tâm tài chính nào muốn vươn lên đều phải đáp ứng.
TPHCM muốn “chiến thắng” thì cần có phải có sự đột phá. Điều này phụ thuộc vào chính sách của quốc gia;
Về vấn đề bao lâu nữa TPHCM mới trở thành trung tâm tài chính quốc tế? Ông Tự Anh cho rằng đến thời điểm này, vẫn chưa có câu trả lời cụ thể: “Có rất nhiều yếu tố quyết định. Nếu Trung ương thực sự có những chính sách quyết đoán, mạnh mẽ thì TPHCM có thể trở thành trung tâm tài chính khu vực trong vòng 15-20 năm; còn nếu không thì chưa thể nói trước được” .
Diễn đàn Kinh tế TPHCM sẽ diễn ra vào ngày 18/10 với 4 chủ đề: TPHCM hướng tới Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế: hiện trạng mục tiêu và nỗ trình thực hiện; Bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng và hình thành một số trung tâm tài chính quốc tế; Hệ sinh thái cho sự phát triển bền vững của một trung tâm tài chính quốc tế; Định hướng chính sách quốc gia và vai trò của chính quyền TP.