Lực lượng chức năng quận Cầu Giấy ngừng cấp điện với công trình vi phạm trật tự xây dựng. |
10.494 công trình vi phạm
Tại Kỳ họp chuyên đề được tổ chức ngày 19/11, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngưng cung cấp dịch vụ điện nước trên địa bàn thành phố. Theo Nghị quyết, có 8 trường hợp vi phạm trật tự đô thị, trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy (PCCC)… sẽ được áp dụng biện pháp ngừng cấp điện nước. Ví như, công trình xây dựng sai quy hoạch, không có giấy phép xây dựng, công trình xây dựng trên đất bị lấn chiếm; Công trình vi phạm về PCCC…
Theo UBND thành phố Hà Nội, từ năm 2014 đến tháng 6/2024, UBND các quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 182.571 công trình. Qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 10.494 công trình có vi phạm quy định về trật tự xây dựng. Trong đó, 3.297 công trình xây dựng không phép; 2.454 công trình xây dựng sai phép… Ngoài ra, có 1.707 công trình vi phạm, chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động; 1.538 cơ sở kinh doanh karaoke không đảm bảo các điều kiện về PCCC đã bị đình chỉ hoạt động nhưng tiến độ khắc phục rất chậm…
Sau khi Nghị quyết được thông qua, nhiều địa phương cho rằng biện pháp yêu cầu ngưng cung cấp dịch vụ điện nước là “bảo kiếm” để xử lý công trình vi phạm. Ông Nguyễn Quý Tuấn, Chủ tịch UBND xã An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, trên địa bàn xã có rất nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng. Một phần các công trình này tồn tại từ nhiều nhiệm kỳ trước nên rất khó xử lý. Nếu áp dụng biện pháp ngừng cấp điện nước, chính quyền địa phương sẽ có cơ sở để xử lý các công trình vi phạm. “Bây giờ, đã có cơ sở pháp lý, chắc chắn thời gian tới chúng tôi sẽ xử lý quyết liệt các công trình vi phạm về xây dựng, đất đai”, ông Tuấn nói.
Giải bài toán hạ tầng giao thông
Cũng tại kỳ họp chuyên đề, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố”. Theo UBND thành phố Hà Nội, hệ thống giao thông thông minh gồm khung kiến trúc vật lý và khung kiến trúc thông tin. Trong đó, khung kiến trúc vật lý có 4 thành phần chính, bao gồm: Người dùng ITS (người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý), phương tiện giao thông tích hợp thiết bị thông minh, cơ sở hạ tầng giao thông thông minh và Trung tâm điều hành, giám sát giao thông thành phố.
Khung kiến trúc thông tin gồm 5 lớp: Hạ tầng thiết bị và kết nối, dự liệu số, nền tảng số, các ứng dụng của ITS và các kênh giao tiếp giữa hệ thống ITS với người dùng. Hệ thống ITS sẽ có 12 chức năng, gồm: giám sát giao thông, cung cấp thông tin giao thông, điều khiển giao thông, hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự giao thông, quản lý giao thông công chính, quản lý đỗ xe, quản lý sự cố, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông…
Bên cạnh triển khai đề án “Giao thông thông minh”, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố”.
Theo đề án, năm 2025 thành phố sẽ chuyển xe buýt điện, trong đó có 04 đơn vị vận tải đang triển khai các thủ tục để đầu tư và vận hành thí điểm 5 tuyến xe buýt điện với 76 xe để xây dựng định mức, đơn giá cho chủng loại xe buýt điện sức chứa trung bình và nhỏ. Ngoài ra, sẽ chuyển đổi với các phương tiện buýt diezel lớn hết hạn khấu hao và hết hạn thầu sang xe buýt điện lớn. Dự kiến chuyển đổi trong năm 2025 là 103 xe, đạt 5% tổng số phương tiện chuyển đổi. Giai đoạn 2026-2035, thành phố sẽ chuyển đổi 50% xe buýt điện và 50% xe buýt LNG/CNG.
Từ năm 2026, dự kiến thành phố sẽ ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đầy đủ cho các chủng loại xe buýt điện. Các đơn vị cũng sẽ thay thế phương tiện đã hết thời gian khấu hao (10 năm). Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong giai đoạn 2026-2030 là 1.813 xe (khoảng 93%). Đến năm 2035, tỷ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tỷ lệ 100%.
Tổng kinh phí dự kiến thực hiện phương án khoảng 48.625 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố khoảng 35.996 tỷ đồng và doanh nghiệp phải tự bố trí khoảng 12.629 tỷ đồng. Thành phố sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, nhà nước và tư nhân trong việc đầu tư, phát triển hạ tầng và phương tiện xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.