Bảo kê nghĩa địa

Ông Tâm đang ngã giá sang nhượng đất nghĩa địa.
Ông Tâm đang ngã giá sang nhượng đất nghĩa địa.
TP - Sang nhượng đất nghĩa trang để trục lợi, bảo kê việc xây dựng lăng mộ đang diễn ra tại nghĩa trang Gò Cà (xã Hòa Khương, Hòa Vang, Đà Nẵng). Từ tố cáo và phản ánh của người dân, phóng viên Tiền Phong vào cuộc điều tra thực hư vụ việc.

Nghĩa địa thành lãnh địa

Gia đình ông N.H.T (trú tại quận Thanh Khê, Đà Nẵng) vừa có đơn thư  gửi lãnh đạo thành phố và cơ quan chức năng tố cáo về việc tại nghĩa trang Gò Cà có nhóm người lộng hành, tự áp đặt giá cả, bắt buộc những gia đình có mồ mả phải làm theo yêu cầu của họ. Cụ thể, bất cứ ai muốn đào huyệt, xây mộ, dựng bia phải ký hợp đồng với các nhà thầu xây cất ở đây, không được đưa người lên xây dựng hoặc mua mộ sẵn lắp vào mộ thân nhân. Những nhà thầu, các công nhân khác không ai dám lên nghĩa trang này để xây cất vì họ sợ bị hành hung, đánh đập.

Ông T. cho biết: Ngày 8/9 vừa qua, gia đình ông dời mộ cha mình từ Huế về nghĩa trang Gò Cà, khi vừa bắt đầu đào huyệt thì có người chạy ra ngăn cản, hăm dọa. Gia đình ông phản đối thì người này gọi điện cho một người tên Chín (biệt danh Chín Gò Cà) cùng một nhóm người đến ngăn cản không cho đào huyệt. Nhóm người này đã có những hành động côn đồ và hung hăng, tấn công em trai ông T. khi người này chụp hình và quay video làm bằng chứng. Nhóm người này còn hăm dọa các tài xế chở người và vật liệu, đòi phá xe, khiến thợ đào và xây huyệt không dám vào làm.

Cũng theo ông T, trước đó ông đã đến gặp ông Chín để bàn bạc việc xây mồ, tuy nhiên giá cao gấp 3 lần so với số tiền các nhà thầu khác đưa ra nên ông  không đồng ý. Khi ông đưa thợ khác vào thì xảy ra sự việc.

Trong vai người dân có nhu cầu chuyển mộ và xây mồ cho người thân, phóng viên Tiền Phong  tìm đến nhà ông Chín tại thôn Phú Sơn Nam. Ông Chín có tên đầy đủ là Nguyễn Lương Chín, dân làng vẫn thường gọi là “Chín Gò Cà”. Nhà ông Chín khang trang và bề thế ngay sát QL 14B, cạnh lối vào chính của nghĩa trang. Ông Chín cùng hai người anh Bảy và Tám nổi tiếng vùng vì phụ trách và nhận thầu các công trình xây dựng lăng mộ ở nghĩa địa. Ông Chín đi vắng, thấy khách lạ ghé, ông Bảy (anh trai) ông Chín từ ngoài nghĩa địa chạy xe về. Chúng tôi đề cập đến việc có nhu cầu xây mộ ông Bảy không chút ngần ngại ra giá. Tuy nhiên, khi đề cập đến việc đưa thợ ngoài vào để làm, ông Bảy nhất quyết không đồng ý.

Theo ông Bảy, muốn xây mộ thì phải để thợ của ông nhận làm từ khâu đào huyệt đến việc làm mộ. Khi làm mộ chỉ cần đưa mẫu thiết kế, thợ của ông sẽ làm hết. Giá cả làm mộ tùy theo kích cỡ cũng như độ phức tạp của thiết kế, tinh xảo của hoa văn. Giá của ông Bảy đưa ra, đối chiếu với một số xưởng chuyên xây dựng lăng mộ trên địa bàn cao hơn nhiều.

Bảo kê nghĩa địa ảnh 1

Biển quảng cáo sang nhượng đất dọc QL14B đoạn qua thôn Phú Sơn Nam

Ông Bảy cho biết: Nếu đồng ý ông sẽ viết giấy bán đất, ghi hợp đồng. Khi chọn ngày, sẽ có thợ của ông đến làm theo giá đã thỏa thuận, từ A đến Z. Riêng thợ ngoài tuyệt đối không.

Theo một số người dân từng xây mộ cho thân nhân tại nghĩa trang này cho hay: Việc “bảo kê” xây dựng mồ mả đã có từ lâu. Chỉ cần thấy người ngoài, lạ từ nơi khác chở vật liệu vào xây mộ lập tức có người đến cản trở, không cho làm.  Tuy nhiên họ không lên tiếng, im lặng thỏa thuận bởi lo sợ sau này bị trả thù, mồ mả thân nhân họ sẽ bị phá phách.

Sang nhượng đất trái phép

Ngoài việc xây mộ, ông Bảy và người nhà còn nổi tiếng với việc mua bán và sang nhượng đất nghĩa trang. Ông Bảy cho biết: Hiện nay, nghĩa trang đã kín chỗ, chỉ còn đất của tộc họ, được những “đầu nậu” nhanh tay mua lại. Ai có nhu cầu sẽ được bán theo hình thức sang tay. Gia đình ông nhờ có vốn nên đã mua được rất  nhiều đất ở nghĩa trang này, do đó khách muốn mua bao nhiêu cũng có. Giá bán ông Bảy đưa ra thấp nhất 500.000 đồng/m2.

“Khi mua đất, chủ đất sẽ viết giấy. Có vấn đề gì chủ đất sẽ đứng ra chịu trách nhiệm. Thế nên cứ an tâm”, ông Bảy khẳng định.

Theo giới thiệu, chúng tôi tìm gặp Tâm một trong những tay buôn đất nghĩa trang có tiếng ở vùng này. Không chút do dự, Tâm giới thiệu gia đình mình còn rất nhiều đất ở nghĩa trang Gò Cà vì trước đó đã nhanh tay mua lại của các tộc họ.

Bảo kê nghĩa địa ảnh 2

Ông Bảy đang ra giá làm mồ mả với phóng viên

Dẫn khách về một khu đất trống nằm giữa chi chít mộ phía gần thôn Phú Sơn Nam, cách đường chính khoảng hơn 20m. Chỉ tay về một ngôi mộ lớn cạnh đó, ông Tâm cho biết: “Mua sang tay, giờ bán cũng sang tay. Họ mua của tôi đấy có sao đâu. Có chuyện gì tôi sẽ chịu trách nhiệm”. Chúng tôi thắc mắc về chuyện giấy tờ, ông Tâm khua tay: “Họ mua của tôi biết bao nhiêu rồi có sao đâu”. Ông Tâm ra giá chắc đét, không bớt một xu, 6 triệu đồng/huyệt. “Đây là giá vốn, không có lời. Đất tôi bán đảm bảo không ai bị ách lại. Cán bộ xã với tụi tôi như anh em trong nhà, lo gì”, ông Tâm trấn an.

Thấy khách có vẻ không thoải mái và băn khoăn, ông Tâm chỉ tay về phía núi rồi cho biết: Vào sâu bên trong ông và anh trai có hàng trăm mét vuông đất có giấy tờ. Mua bao nhiêu cũng được. Đất đó, gia đình ông thuê xe san ủi rồi làm giấy tờ. Đất đó, ông Tâm ra giá 35 triệu/100m2, chỉ cần đặt cọc trước 5 triệu, 1 tuần sau giao giấy tờ.

Khách chần chừ chê đắt, ông Tâm giải thích: “350.000 đồng/m2 có giấy tờ, xã xác nhận đất mồ mả mà đắt gì. 35 triệu đó cũng mất 10 triệu chi phí cho xã, ăn uống này kia cũng chỉ còn 25 triệu. Anh em tôi huề vốn, chứ có lời lộc gì. Chủ yếu là nhận làm mồ kiếm thêm đồng”

Ông Tâm cũng cho hay, trong vùng có cả trăm người sang nhượng đất nên chuyện cạnh tranh giá đất cũng gắt gao. Nếu người ngoài không biết, dễ bị dụ mua đất rẻ, đất đã từng có người chôn và bị ép làm mộ với giá trên trời. Nếu không đồng ý theo ý kiến chủ đất sẽ bị hù dọa. Riêng về phần xây dựng, ông Tâm cho biết: phần đào huyệt, xây dựng thô do thợ của ông đảm nhận. Người ngoài chỉ được làm phần hoàn thiện, trang trí hoa văn mà thôi.

Thấy khách còn lo lắng về việc nếu đưa người ngoài vào làm có bị người ngoài vào quấy phá, ông Tâm tiếp tục trấn an: “Mỗi năm chúng tôi nộp cho xã mấy triệu đồng tiền an ninh rồi, lo gì”.

Chính quyền nói gì?

Ông Nguyễn Chí Trí, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương, cho biết, xã có diện tích hơn 5.000 ha trong đó 1/3 là núi rừng, hơn 300ha là đất nghĩa địa. Đây là  vùng giáp ranh với Đại Lộc (Quảng Nam) nên tình hình an ninh phức tạp, khó quản lý. Tại khu vực nghĩa trang Gò Cà từ trước đến nay, tình trạng tranh giành giữa các chủ thầu xây dựng, cãi cọ giữa người dân với nhà thầu vẫn thường xảy ra. Việc người dân bức xúc là do nhà thầu hét giá quá cao, không cho người ngoài vào làm. Chính quyền xã đã nhiều lần họp yêu cầu các chủ thầu chấn chỉnh tình hình. Đồng thời thành lập đội tự quản để đảm bảo an ninh trật tự, kịp thời ghi nhận ý kiến phản ánh của người dân.

Ông Trí cũng cho biết, gần đây nhất, ngày 8/9 có xảy ra vụ xích mích giữa người dân và với ông Nguyễn Lương Chín (chủ thầu xây dựng). Gia đình cần làm mồ, ông Chín hét giá trên trời. Người dân kêu thợ ngoài vào, ông Chín đứng ra gây gổ, cản trở. Theo ông Trí, vụ việc chỉ xảy ra ở mức độ xích mích, nói qua nói về. Do người dân có đơn tố cáo gửi UBND TP nên vụ việc đã được giao công an huyện điều tra xử lý. Ông Trí cũng cho rằng, đó không phải là bảo kê mà chỉ là hù dọa.

Về tình trạng sang nhượng đất tại nghĩa địa khá công khai, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Chí Trí khẳng định, hiện nay, đất nghĩa địa đã hết, nên không còn chuyện sang nhượng. Tuy nhiên, trái ngược với lời ông Trí nói, tuyến quốc lộ 14B chạy qua thôn Phú Sơn Nam chi chít bảng quảng cáo ghi rõ sang nhượng đất mồ mả. Ông Trí tỏ ra rất ngạc nhiên khi phóng viên cho ông xem hình về những biển quảng cáo này. “Lạ nhỉ, sao tôi không thấy! Tôi sẽ cho anh em kiểm tra và tháo hết biển này. Ai lại công khai quảng cáo sang nhượng đất mồ mả phản cảm như vậy được”, ông Trí nói.

Thành phố của “người âm”

Gò Cà là một trong hai nghĩa trang lớn của TP Đà Nẵng. Gò Cà từ lâu được ví là “thành phố của người âm” bởi nghĩa trang này chiếm một vùng đất rộng lớn của xã Đại Hiệp (Đại Lộc, Quảng Nam) và xã Hòa Khương (Đà Nẵng). Từ mấy chục năm qua, Gò Cà là nơi an nghỉ của hàng ngàn người dân của TP Đà Nẵng và huyện Đại Lộc. Hiện nay, ngoài áp lực về nơi chôn cất, hàng trăm hộ dân sống xung quanh nghĩa trang này đang phải sống trong ô nhiễm vì nguồn nước đã bị nhiễm bẩn từ chất hữu cơ phân hủy rất nặng, gấp nhiều lần so với mức quy định của Bộ y tế.

MỚI - NÓNG