Trái ngược lại, tấm bình phong “bảo hộ người nông dân” một lần nữa được Hiệp hội Mía đường Việt Nam nêu ra dưới danh nghĩa lợi ích của người trồng mía với lý luận: Ngành đã có đổi mới nhưng vẫn cần tiếp tục… bảo hộ và giá đường trong nước không cao hơn nhiều so với thế giới.
Trao đổi với một số doanh nghiệp lớn trong ngành mía đường, đại diện các đơn vị xác nhận giá đường của Việt Nam hiện cao hơn thế giới dù được bảo hộ cả đầu vào và đầu ra. Những doanh nghiệp tham gia sản xuất đường trực tiếp này cũng cho rằng, với một nước làm nông nghiệp lớn mà để giá đường cao hơn các nước là điều khó chấp nhận. Quan điểm tiếp tục “bao cấp” dường như chỉ có lợi cho một nhóm lợi ích.
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, khi chia sẻ với PV Tiền Phong, cũng cho rằng, đề xuất tiếp tục bảo hộ của Hiệp hội Mía đường là ý kiến đi ngược dòng phát triển trong xu thế hiện nay. Nhìn rộng hơn cũng là câu hỏi lớn với ngành mía đường: Nhiều ngành khác (cũng thuộc nông nghiệp) như lúa gạo, tiêu, điều, cà phê… không được bảo hộ nhưng sao vẫn sống khỏe?
Người nông dân ở những ngành trên không hiếm người là tỷ phú nhưng nông dân trồng mía tỷ phú hỏi có được mấy ai? Được ưu đãi nhưng sao ngành mía đường mãi chật vật trong nhiều năm. Ngay trong ngành, người nông dân trồng mía không mấy khi kêu khó nhưng Hiệp hội lại “than” rất nhiều.
Ông Đức cho rằng, nhìn vào bảng cơ cấu vị trí của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, có thể thấy các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký… đều là những “nhà buôn đường” mạnh nhất, nổi tiếng trong ngành hiện nay. Theo ông Đức, quy luật đào thải của thị trường luôn khắc nghiệt nhưng lại là áp lực tốt để doanh nghiệp vươn lên, cạnh tranh sòng phẳng trong nước cũng như quốc tế. Doanh nghiệp không cạnh tranh được, không nên tồn tại. Doanh nghiệp có sức cạnh tranh khỏe, chắc chắn người nông dân ít nhiều cũng được hưởng lợi, từ đó giàu lên.
Lời chia sẻ của lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất đường trực tiếp để lại nhiều suy ngẫm: “Nếu vì lợi ích của người nông dân, họ (Hiệp hội Mía đường-PV) đã làm khác, đầu tư cho người nông dân theo kiểu khác chứ không để tái lặp câu chuyện giá đường cao nhưng mía vẫn phải chặt bỏ. Khi không cạnh tranh được thì lùi lại đằng sau và giơ “lá chắn” người dân để kêu gào bảo hộ. Như vậy chỉ vì lợi ích của các doanh nghiệp, chứ không hoàn toàn vì người nông dân”.