“Sau khi phát hiện trường hợp người đã chết nhưng vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh BHYT, đơn vị sẽ sớm thu hồi khoảng chi phí chi sai này. Riêng việc nhập sai ngày tháng đối với một số bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT, trong họp giao ban, chúng tôi đã chỉ đạo anh em phải nhập lại ngày tháng cho đúng” – Ông Sáng nói.
Trước đó, ngày 30/9, BHXH Việt Nam đã có văn bản yêu cầu BHXH Đắk Lắk kiểm tra dấu hiệu gian lận trong thanh toán chí phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với 51 trường hợp đã chết nhưng vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh, với tổng số tiền hơn 276 triệu đồng.
BHXH tỉnh Đắk Lắk báo cáo: Sau khi rà soát, đã xác định được có 48 bệnh nhân đi khám chữa bệnh trước ngày chết nhưng Phòng Chế độ BHXH lại nhập thông tin ngày chết trên phần mềm mặc định là ngày 1 của tháng đó. Có 2 bệnh nhân đã chết trùng họ tên, năm sinh với người đang còn sống do lỗi đồng bộ mã số đối tượng. Chỉ 1 trường hợp Nguyễn Thị C phát sinh chi phí 132.057 đồng sau khi chết là "có vấn đề".
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Lê Quang Tiệm – Trưởng phòng Chế độ thuộc BHXH tỉnh Đắk Lắk giải thích rằng, 48 bệnh nhân kia có khám bệnh trước ngày chết chứ không phải gian lận hồ sơ khám sau khi tử vong. “Ví dụ bệnh nhân chết ngày 20 nhưng trong quá trình tính đi khám chữa bệnh, anh em đều nhập ngày 1 đến ngày 19. Anh em thường nhập theo tháng nên đưa vào ngày 1 hằng tháng. Việc phát sinh khám chữa bệnh phát sinh trong thời điểm người đang sống nhưng do lỗi nhập theo tháng” – ông Tiệm nói.
Riêng trường hợp đã chết rồi nhưng vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh là do thời điểm đó, BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên đang chuyển trụ sở nên dữ liệu phần mềm “giải quyết chế độ chính sách” trục trặc. “Lẽ ra phần mềm tốt thì sẽ phát hiện ra số thẻ của bà C không còn giá trị sử dụng. Tuy nhiên, thời điểm này đã chuyển bệnh viện nên mới có chi sai. Việc này chúng tôi đã có làm việc với Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên” - Ông Tiệm nói.