Bạo hành ảo

Bạo hành ảo
TP - Chuyện không còn là một trò chơi nữa, khi lá thư kêu cứu khẩn cấp của cô bé 15 tuổi Lê Nguyễn Quỳnh Anh vừa được gửi tới lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên - nhi đồng của Quốc hội.

> Nhạc sĩ Hà Quang Minh nói về 'scandal Quỳnh Anh'

Sau sự cố khi tham gia chương trình truyền hình thực tế Tìm kiếm tài năng (Got Talent), tai họa đã xảy ra khi một cuộc “bạo hành tinh thần” khủng khiếp trên mạng dội xuống đầu cô bé. “Tại sao một em bé bị bố nuôi đánh sưng mắt sưng môi thì lập tức người bố đó bị bắt…còn bao nhiêu triệu người bạo lực tinh thần cháu trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng thì phải làm sao đây ạ ?”, cô bé 15 tuổi viết.

Nhiều người sẽ bảo sự việc đã bị đẩy đi quá xa. Nhưng thực tế, đó chỉ là điều cần đến sẽ phải đến. Nếu như những nam thanh nữ tú giới showbiz cần nổi tiếng bởi những tai tiếng, thì áp lực của sự “nổi tiếng” ấy là quá sức chịu đựng với một cô bé. Cho dù một phần nguyên nhân của câu chuyện xuất phát từ sự yêu con thái quá của người mẹ.

Truyền hình và truyền thông mạng nhân chuyện này đã không bỏ lỡ cơ hội biến sự cố bi hài trên thành sự kiện hot, hit. Để kích dư luận sục sôi với hàng ngàn hàng vạn những comment, cảm thông chia sẻ thì ít, mà dè bỉu, mỉa mai giễu cợt thì nhiều. Đến nỗi, khi cô bé viết thư kêu cứu, thì tiếp tục xuất hiện hàng loạt những ý kiến cho rằng đây chỉ là sự “diễn trò”, là sự giả dối, là do bố mẹ “chống lưng” …

Thậm chí có người còn đem hoàn cảnh sống, học hành đầy đủ của cô bé để mỉa mai, coi đó như là một cái tội! Trong khi đáng lẽ phải coi đó là lời kêu cứu thực sự của một trẻ vị thành niên đang bị khủng hoảng tinh thần nặng nề, để cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ.

Thực tế cuộc sống đầy rẫy ngang trái, bất công đang khiến người ta mất dần niềm tin, vắng dần sự trong sáng trong suy nghĩ. Khiến ai cũng tự cho mình cái có quyền nghi ngờ, lên án kết tội, thậm chí sỉ vả người khác một cách cay nghiệt, lạnh lùng. Những bi kịch mang tên bạo hành ảo kể trên diễn ra với mật độ ngày càng dày đặc, đem lại nỗi kinh hoàng cho các nạn nhân.

Chỉ với một cái nick ảo trên mạng ảo, người ta dễ dàng nhân danh đạo đức, trút mọi sân hận, thua thiệt về cuộc sống này vào một ai đó. Trong khi sẵn sàng khoanh tay cười nhìn đám trẻ đánh nhau. Và hả hê bình phẩm về những vụ đâm chém giết người rùng rợn.

Giữa hai điều xấu, cần chọn cái ít xấu hơn. Và cần sự bao dung. Trong câu chuyện này, có cần lợi dụng lỗi lầm của người lớn để trút mọi cay nghiệt vào đầu một đứa trẻ ? Và các cơ quan quản lý, đến lúc cần ra tay ngăn chặn tình trạng bạo lực ảo này, khi đã có quá nhiều điều luật quy định về điều này, nhưng ít được thực thi. n

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG