Báo động về tai nạn điện trong dân

EVN SPC đang triển khai các dự án xóa điện “câu đuôi” để đảm bảo an toàn cho người dân.
EVN SPC đang triển khai các dự án xóa điện “câu đuôi” để đảm bảo an toàn cho người dân.
TP - Mặc dù ngành Điện và chính quyền địa phương luôn đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo nhưng tình trạng tai nạn điện trong dân thời gian qua vẫn ở mức đáng báo động; đặc biệt ở khu vực sông nước Đồng bằng sông Cửu long.

Chủ quan, coi thường

Khoảng 8 giờ ngày 23/10, tại ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu) đã xảy ra vụ tai nạn điện làm một người chết và một người bị thương nặng. Nạn nhân tử vong là anh Võ Văn Cường, (SN 1986) và nạn nhân còn lại là anh Nguyễn Văn Vũ, (SN 1974), cả hai cùng trú tại xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải (Bạc Liêu). Vào thời điểm trên, hai anh Cường và Vũ đang làm vệ sinh dưới ao nuôi tôm trong khu nuôi tôm công nghiệp của Công ty Cổ phần Việt Úc- Bạc Liêu thì bị điện giật.

Trước đó, vào tháng 8/2015, cũng tại xã Long Điền Đông, đã xảy ra 2 vụ tai nạn điện ở khu vực vuông tôm làm anh Phạm Văn Sang (30 tuổi) và anh Nguyễn Thanh Toàn ( 41 tuổi) chết bất ngờ. Anh Sang chết do đụng vào dây điện kéo dọc bờ vuông tôm lâu ngày bị bong tróc lớp nhựa  bọc bên ngoài. Còn anh Toàn bị điện giật khi ra vuông tôm ở sau nhà để sửa mô tơ. Bạc Liêu, Cà Mau là hai tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất khu vực ĐBSCL. Từ năm 2013 đến nay đã có nhiều trường hợp tử vong do bị điện giật liên quan đến nuôi tôm. Chỉ tính riêng tại xã Vĩnh Trạch (TP.Bạc Liêu) trong 3 năm qua, đã có 8 trường hợp người nuôi tôm bị tử vong do điện giật.

Ngoài tai nạn điện liên quan đến nuôi tôm, còn rất nhiều vụ tai nạn điện liên quan đến các hoạt động khác của người dân như kéo điện sản xuất kinh doanh, sinh hoạt không đảm an toàn kỹ thuật.  Chiều 26/9, 6 công nhân đang thi công lắp đặt bảng hiệu quảng cáo tại nhà số 208, đường Bà Triệu, TP.Bạc Liêu đã bất ngờ bị điện giật khiến 1 người chết và 5 người bị thương. Tai nạn được xác định do quá trình đưa bảng hiệu lên cao, những công nhân này đã làm đường dây điện bị trầy xước dẫn đến rò rỉ điện.

Theo số liệu chưa đầy đủ, trong 9 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã xảy ra 4 vụ tai nạn lớn về điện nhưng đã làm cho 3 người chết và hàng chục người bị thương. Còn tại Cà Mau cùng thời gian qua cũng xảy ra 17 vụ tai nạn về điện gây chết người.

Ở các tỉnh thành khác trong khu vực như Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp... cũng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn liên quan đến việc sử dụng điện như  dựng ăng ten tivi, xây dựng cơi nới nhà cửa gần đường dây điện, dùng điện để bơm nước, bẫy chuột, chích cá, thả diều… Theo ông Trần Quyền Dự - GĐ Cty Điện lực Bạc Liêu, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn điện trong dân nhưng chủ yếu là bắt nguồn từ ý thức chủ quan, sử dụng điện bừa bãi. “Người dân vẫn biết điện là nguy hiểm nhưng họ nghĩ rằng đường dây này, trụ điện tạm bợ kia không nguy nhiểm đến mình nên cứ thế… xài tạm. Nhưng bà con không hình dung được rằng lâu ngày nó hỏng hóc và có thể gây ra sự cố đáng tiếc bất cứ lúc nào”- ông Dự nói.

Tăng cường ngăn chặn tai nạn điện trong dân

Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn 21 tỉnh phía Nam (không kể TP.HCM) đã xảy ra 10 vụ tai nạn điện do vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp và hàng trăm vụ tai nạn điện sinh hoạt ở các hộ dân. Để khắc phục những tai nạn này, nhiều năm qua, EVN SPC đã yêu cầu 21 đơn vị thành viên phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền các quy tắc an toàn về sử dụng điện. UBND các tỉnh, thành phố trong khu vực đã có văn bản chỉ thị về việc tăng cường tuyên truyền hướng dẫn, kiểm tra đảm bảo an toàn trong sử dụng điện, phòng tránh tai nạn điện trên địa bàn.

Một trong những nguyên nhân gây tai nạn điện là do người dân tự ý “câu đuôi” sau đồng hồ, tức đưa điện từ nhà có điện sang nhà chưa có điện bằng đường dây không đảm bảo an toàn. Tình trạng “câu đuôi” hiện diễn ra khá phổ biến, khiến đường dây cung cấp điện luôn bị quá tải, thậm chí gây cháy nổ công tơ dẫn đến những tai nạn không ngờ và rất thương tâm.

Ông Nguyễn Văn Hợp - Tổng giám đốc EVN SPC cho biết, EVN SPC đang tập trung nguồn lực triển khai các dự án kéo điện về cho các hộ dân vùng sâu, vùng xa chưa có điện theo chương trình 2081 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đến năm 2018, co bản phủ điện đến tất cả các hộ gia đình. Lúc đó sẽ không còn tình trạng chia hơi, kéo điện không an toàn đến các vùng sản xuất làm ảnh hưởng đến an toàn điện.

Ông Trần Quyền Dự cũng cho biết, đơn vị này đang triển khai kế hoạch xóa dần các hộ “câu đuôi”. Giai đoạn 1 từ nay đến cuối năm 2016 xóa khoảng 2.000 hộ và sang năm 2017 sẽ tiếp tục.

MỚI - NÓNG