Báo động về tai nạn điện sinh hoạt: Đau thương trên những ao tôm

Báo động về tai nạn điện sinh hoạt: Đau thương trên những ao tôm
TP - Cà Mau là một trong những địa bàn nuôi tôm trọng điểm ở ĐBSCL. Nơi đây đã xảy ra hàng loạt cái chết thương tâm do việc sử dụng điện nuôi tôm không an toàn. “Bà con sử dụng điện nuôi tôm rất cẩu thả”, ông Nguyễn Tiến Hải-Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nói.

Căn nhà 3 gian, tường cũ của bà Phú Thị Trang (42 tuổi) ở ấp Bào Kè, xã Lương Thế Trân (Cái Nước, Cà Mau) luôn đóng cửa. Trước sân nhà, chếch một bên là ngôi mộ mới xây là của chồng bà, ông Trần Văn Mười. Bà Trang cho biết, vợ chồng bà có gần 2 ha đất của cha mẹ để lại. Hai vợ chồng bàn tính đào 3 ao liền kề để nuôi tôm công nghiệp. Nuôi được vài vụ thì sự cố đau buồn xảy ra. Một ngày cuối năm 2014, như thường lệ, hai vợ chồng ra ao trông coi, chăm sóc ao tôm mới thả nuôi hơn một tháng. Hôm ấy, ông Mười sửa lại dây điện, mô- tơ, dàn quạt ô-xy còn vợ bơi xuồng chở vôi bột ra giữa ao rải.

“Vừa bơi xuồng ra giữa ao, tôi nghe chồng kêu cứu vì bị điện giật văng xuống ao. Tôi vừa la làng, vừa nhảy xuống ao, bơi vô bờ để cứu, nhưng nước ngập đến cổ, không bơi kịp…”-bà Trang kể. Bỏ lửng câu chuyện, bà Trang kéo vạt áo lau vội đôi mắt đã hằn vết chân chim đang ngấn lệ. Bà kể tiếp: “Nghe tiếng kêu cứu, mấy anh em ruột của anh Mười ở gần, chạy tới, cúp cầu dao điện. Nhưng khi vớt lên, anh Mười đã chết do ngạt nước”.

Báo động về tai nạn điện sinh hoạt: Đau thương trên những ao tôm ảnh 1 Bà Phú Thị Trang kể lại giây phút chồng và người thân chết vì điện giật. Ảnh: Tiến Hưng.

Sau khi ông Mười chết, ao tôm của gia đình cũng chết theo, để lại món nợ vài trăm triệu đồng. Con trai ông là Trần Nhật Anh, vừa học lớp 9, phải nghỉ học, phụ giúp mẹ, đi làm mướn để nuôi 2 em gái đi học. Cha mẹ ông Mười, vừa do tuổi cao sức yếu, vừa buồn cho người con trai út vắn số nên lần lượt qua đời sau khi ông Mười mất chưa đầy năm.

Bà Trang cho biết, chồng mất chừng vài tháng, Nguyện, đứa cháu rể đề nghị hùn nuôi tôm để sống. “Tôi có ao đất sẵn, đường điện, mô- tơ, quạt nước sẵn, để cũng hư. Thằng Nguyện lại biết nghề điện, rất cần cù, chí thú làm ăn nên tôi đồng ý hùn nuôi”-bà Trang kể. Ngày 8/1/2015, bà Trang cùng với con trai canh chừng quạt ô-xy ao tôm thả nuôi. Nguyện cũng lui cui sửa mô-tơ, quạt nước. Sửa tới sửa lui nhưng quạt vẫn không chạy được. Hết trên bờ, Nguyện lại chạy xuống ao để kiểm tra dàn quạt. Bà Trang nhớ lại: “Lúc đang ở dưới ao, Nguyện kêu tôi găm điện vô ổ để nó xem hư chỗ nào mà quạt không quay, để còn biết sửa. Tôi sợ điện lắm nhưng vẫn làm theo lời nó. Tôi lau khô tay, tìm miếng ni lông bao dây điện trước khi găm vào ổ. Khi tôi vừa găm dây điện vô ổ, Nguyện bị điện giật chết tại chỗ…”.

Nguyện quê ở Cái Tàu, xã Nguyễn Phích (U Minh, Cà Mau). Được ông bà ngoại vợ cho miếng đất cặp mé sông Bào Kè, xã Lương Thế Trân (Cái Nước, Cà Mau), Nguyện cất ngôi nhà lá ở và ngày ngày làm mướn kiếm sống. Không đất đai nên vợ chồng Nguyện không nề hà nặng nhọc, ai mướn gì làm nấy để kiếm tiền nuôi con. Khi chồng chết, chị Lê Thị Tú Quyên về gần nhà bố mẹ và cất quán cóc cặp mé đường, nhưng thu nhập không đủ nuôi 2 con ăn học. Vì vậy, góa phụ mới ngoài 30 tuổi này phải đi làm thuê kiếm sống. Tờ mờ tinh sương, chị đi gần 10 cây số để nấu cơm, dọn dẹp cho một cửa hàng buôn bán xe máy ở thành phố Cà Mau, mỗi tháng được trả gần 4 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Th. (Út Th.) ở xã Tân Duyệt (Đầm Dơi, Cà Mau) là người nuôi tôm nổi tiếng và được mời đi họp mặt, phổ biến kinh nghiệm nuôi tôm ở nhiều nơi. Vài năm trước, con trai ông vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự, về nhà cưới vợ và phụ giúp gia đình nuôi tôm công nghiệp. Cuối năm 2016, ông Út Th. cho thu hoạch tôm được cả tỷ đồng. Bán tôm xong, ông cho dẹp vật tư, thiết bị, rồi kêu vợ đóng cầu dao để chạy quạt cho ao tôm còn lại đang nuôi. Khi cầu dao điện được đóng thì cũng là lúc con trai ông đang sửa sang lại mô-tơ bị điện giật chết. “Tôi có lỗi là đã kéo điện 1 dây ra ao tôm. Còn dây nóng găm xuống đất. Nên khi chạm điện, cầu dao không nhảy, để xảy ra chuyện đau lòng”-ông Út Th. nói trong sự giày vò. Khi con trai chết, con dâu ông Út Th. mới mang thai được 3 tháng.

Từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau xảy ra 34 vụ tai nạn điện, làm 26 người chết và 8 người bị thương. Trong đó, nhiều vụ tai nạn điện xảy ra ở ao đầm nuôi tôm, làm chết 8 người. Ông Thiều Văn Minh-Phó GĐ Cty Điện lực Cà Mau cho biết: “Chúng tôi kiểm tra, phát hiện 150 hộ sử dụng điện nuôi tôm và điện chia hơi không an toàn. Trong đó, có 50 hộ kiểm tra lần 2 và 10 hộ kiểm tra lần 3 nhưng bà con chưa khắc phục”.

MỚI - NÓNG