Báo động về tai nạn điện sinh hoạt

Báo động về tai nạn điện sinh hoạt
TP - Ngành chức năng đã liên tục tuyên truyền, hướng dẫn, cảnh báo, thậm chí xử lý mạnh tay, song tình trạng tai nạn điện trong dân những năm qua vẫn diễn ra hết sức nghiêm trọng, đặc biệt ở khu vực ĐBSCL, khiến hàng trăm người chết và bị thương mỗi năm.
Báo động về tai nạn điện sinh hoạt ảnh 1

Sử dụng điện nuôi tôm không an toàn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: Đại Dương.

Hiểm họa luôn rình rập

Coi thường các cảnh báo, sử dụng đường dây, thiết bị điện không an toàn, bất cẩn trong sử dụng điện... là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ tai nạn điện thương tâm.

Những cái chết trên ruộng đồng

Đầu tháng 10/2016, tại ấp Tân Hưng, xã Vĩnh Hiệp (TX. Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) đã xảy ra tai nạn điện làm một người chết. Khi đóng cầu dao  để chạy động cơ quạt ôxy ở ao tôm nhưng động cơ không chạy, ông Lê Văn Lợi cắt cầu dao để kiểm tra. Tuy nhiên, do cầu dao bị hư hỏng, dù đã cắt nhưng vẫn còn mang điện nên ông Lợi bị điện giật, chết tại chỗ. Trước đó, cuối tháng 2/2017, tại ấp Xẻo Su, xã Lai Hòa (TX. Vĩnh Châu) cũng xảy ra một vụ tai nạn về điện làm anh Đặng Minh N. chết tại chỗ, bỏ lại vợ và 2 con nhỏ. Bà Phan Thị Tuyến, mẹ anh N. kể lại: “Gia đình tôi sống chủ yếu bằng nghề nuôi tôm, với trên 3ha, đào thành 10 ao. Để chuẩn bị lắp quạt chạy ôxy cho vụ nuôi tôm năm 2017, con trai tôi phát quang cây cối và vô tình chạm vào dây dẫn điện bị tróc vỏ...”.

Những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ diện tích nuôi tôm, tai nạn do sử dụng điện nuôi tôm cũng gia tăng, nhất là ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau… Thống kê của Điện lực Sóc Trăng cho thấy, 9 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 25 vụ tai nạn liên quan sử dụng điện không an toàn làm 25 người chết. Trong khi đó, năm 2014 xảy ra 11 vụ, làm chết 11 người; năm 2015 có 14 vụ làm chết 14 người, năm 2016 có 8 vụ làm chết 6 người.

Ông Lê Văn Chí-Phó giám đốc Công ty Điện lực Đồng Tháp cho biết, tình trạng người dân câu móc sau công tơ điện và sử dụng điện bừa bãi, không đảm bảo kỹ thuật an toàn diễn ra rất phổ biến, trong đó có cả việc dùng điện bẫy chuột, bắt cá...Hậu quả là rất nhiều cái chết thương tâm đã xảy ra. Ngày 14/4 vừa qua, ông Lê Văn Long (SN 1971) ở ấp 2A, xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) sử dụng dây điện và dây kẽm để bẫy chuột ở ruộng sau nhà. Khoảng 23 giờ đêm, do bất cẩn, ông Long chạm vào dây đang mang điện, tử nạn tại chỗ. Trước đó một ngày, ông Nguyễn Văn Hiếu (SN 1973), ấp 4, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười cũng đã tử vong do bất cẩn chạm vào “lưới điện” bẫy chuột do chính ông dựng lên quanh đám ruộng sau nhà.

Theo thống kê của Công ty Điện lực Đồng Tháp, năm 2016, trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra 25 vụ tai nạn điện trong dân làm 24 người chết, 7 người bị thương. Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn là do sử dụng mô tơ điện, thiết bị điện cầm tay bị chạm chập (11 vụ); sử dụng điện rà cá, bẫy chuột (3 vụ); bất cẩn trong sử dụng điện (11 vụ). Trong 9 tháng đầu năm 2017 đã xảy ra 13 vụ tai nạn điện trong dân làm 14 người chết.

Rùng mình với điện “câu đuôi”

Nhiều tháng trôi qua nhưng bà con ấp Bình Linh, xã Bình Thạnh, Cao Lãnh (Đồng Tháp) vẫn chưa quên cái chết tức tưởi của hai cha con người nuôi cá trong một buổi chiều. Anh Phạm Tấn Tài kéo dây điện từ trong nhà ra bè cá với chiều dài khoảng 500 m để sử dụng cho bè cá nhà mình, đồng thời “chia hơi” cho các bè cá lân cận câu móc sử dụng. Tuy nhiên, dây dẫn không được mắc vào các trụ sứ nên đã chạm chập vào khung sắt của bè cá nhưng không ai hay biết. Chiều cuối ngày 19/5/2017, con trai anh Tài là cháu Phạm Hiểu Nhân (sinh năm 2003) ra bè vớt cá thì bị điện giật. Thấy vậy, anh Tài nhảy xuống bè để cứu con và cũng bị điện giật. Cả hai đều tử vong.

Vụ tai nạn kể trên là một trong rất nhiều vụ tai nạn do câu móc điện bừa bãi xảy ra tại khu vực ĐBSCL. Hầu hết các địa phương, nhất là ở vùng sâu vùng xa nơi điện lưới quốc gia chưa phủ kín, đều xuất hiện tình trạng điện “câu đuôi” khiến đường dây cung cấp luôn bị quá tải, thậm chí gây cháy nổ công tơ dẫn đến những tai nạn rất thương tâm. Ông Trần Quyền Dự - GĐ Cty Điện lực Bạc Liêu nói: “Người dân vẫn biết điện là nguy hiểm nhưng họ nghĩ rằng đường dây này, trụ điện tạm bợ kia không nguy hiểm đến mình nên cứ thế… xài tạm. Nhưng bà con không hình dung được rằng lâu ngày nó hỏng hóc và có thể gây ra sự cố đáng tiếc bất cứ lúc nào”.

Đến xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) chúng tôi gặp cảnh điện “câu đuôi” (người dân tự câu móc sau điện kế) chằng chịt. Những trụ điện người dân tự cắm đều không đảm bảo an toàn. Những trụ điện ngả nghiêng, có trụ dựa sát vào hàng cây xanh. Nhiều trụ được làm bằng sắt, tre hoặc cây gỗ tạp…không trụ nào có cục sứ, dây điện được gắn trực tiếp vào đầu trụ. Anh Bùi Thanh Bền, ở ấp Phước Thọ C (xã Mỹ Phước), cho biết, hàng trăm hộ dân ở các ấp Phước Ninh, Phước Thuận, Phước Thọ C, xã Mỹ Phước chưa được nhà nước đầu tư kéo điện đến tận nhà nên từ nhiều năm nay đã hùn nhau tự làm đường dây kèm điện câu đuôi về dùng với giá 4.000-5.000đồng/kW, thậm chí cao hơn. Ông Phạm Minh Kết-Chủ tịch UBND xã Mỹ Phước bày tỏ: “Việc kéo điện câu đuôi tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, bởi trụ điện không đảm bảo quy cách, dây điện cũng không đảm bảo an toàn. Cách kéo điện tự phát nên dễ dẫn tới tình trạng chập, cháy nổ hay rò rỉ điện vô cùng nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa bão”.

Làm liều

Để tiết kiệm chi phí, ông Lý Thiên Liên ở ấp Trà Teo, xã Hòa Đông, TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng) dùng điện một pha, còn dây nguội đấu xuống xuống ao. Cuối tháng 9 vừa rồi, ông Liên xuống ao hái rau muống, vô tình chạm vào mối nối hở của cọc te (cọc tiếp địa) và bị điện giật chết. “Ngành điện đã liên tục tuyên truyền về an toàn điện, cũng như cảnh báo các nguy cơ tai nạn điện, nhưng người dân vẫn cứ làm liều”-ông Huỳnh Minh Hải-Giám đốc Điện lực Sóc Trăng nói.

Ông Hải cho biết, nguyên nhân chủ yếu của các tai nạn điện trong dân là do sử dụng điện không an toàn như hệ thống điện sau công tơ khách hàng tự đầu tư, tự câu kéo chưa đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, các hộ nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ câu kéo điện sử dụng theo mùa vụ, không quan tâm đến vấn đề an toàn, chủ yếu là câu kéo điện làm sao cho ít tốn chi phí nhất, không đúng kỹ thuật, không đảm bảo an toàn. Qua thời gian sử dụng người dân không thay thế, sửa chữa kịp thời dẫn đến rò điện ra vỏ  mô-tơ  hoặc dàn quạt. Nhiều trường hợp để tiết kiệm chi phí chỉ kéo 1 dây nóng, dây nguội đấu xuống đất, ao hồ. Trong quá trình kéo lưới bắt tôm, vô tình chạm vào dây dẫn điện ghim dưới ao tôm và bị điện giật. Tự ý sửa chữa điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất nhưng không có kiến thức về an toàn điện. Sử dụng thiết bị điện (máy khoan, máy mài...) không rõ nguồn gốc, kém chất lượng…

Ngoài các nguyên nhân nêu trên, theo ông Hải, có những trường hợp bị điện giật do chủ quan, như kéo đường dây điện cấp điện cho mô-tơ bơm nước nhưng quên không cắt điện, hay khi thu hồi dây điện ngoài ao tôm nhưng không ngắt điện, hoặc dùng dây điện bẫy chuột, trong quá trình sửa chữa quên không cắt điện.

Tổng công ty Điện lực Miền Nam cho biết, năm 2016 tại 21 tỉnh phía Nam đã xảy ra 153 vụ tai nạn điện làm 125 người chết, 51 người bị thương. Trong đó 15 người chết do lưới điện cao áp và 117 người chết do lưới hạ áp. Đặc biệt, lưới điện sau điện kế chiếm tỉ lệ lớn, làm 110 người chết (trên 71% số vụ tai nạn). 9 tháng đầu năm 2017, có 13 vụ tai nạn trong sử dụng lưới hạ áp khiến 14 người chết. 

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.