Chiếc trực thăng du lịch gặp nạn đã vỡ tung khi đang bay và rơi ngửa xuống dòng sông, chấm dứt chuyến hành trình kéo dài chưa đầy 18 phút kể từ khi cất cánh từ một bãi đáp ở khu trung tâm Manhattan lúc khoảng 15h chiều.
Radar ghi nhận máy bay bay dọc theo đường chân trời Manhattan, sau đó hướng về phía Tượng Nữ thần Tự do thì bất ngờ gặp sự cố. Một đoạn video ghi lại cho thấy các mảnh vỡ của trực thăng rơi lả tả xuống mặt nước, gần bờ Jersey City, bang New Jersey.
Trong số các nạn nhân có ông Agustin Escobar - Giám đốc điều hành của tập đoàn Siemens, vợ ông là bà Mercè Camprubí Monta - quản lý cấp cao tại một công ty công nghệ năng lượng, cùng 3 người con.
![]() |
Lực lượng ứng cứu khẩn cấp sau khi chiếc trực thăng rơi xuống sông Hudson, tại Jersey City, New Jersey vào ngày 10/4. |
Thảm kịch này tiếp nối một loạt các vụ tai nạn liên quan đến trực thăng tại thành phố New York trong gần nửa thế kỷ qua.
Kể từ năm 1977, ít nhất 38 người đã thiệt mạng trong các sự cố liên quan đến loại hình phương tiện này. Năm đó, một vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra trên nóc tòa nhà Pan Am khi cánh quạt của một chiếc trực thăng gãy văng ra, khiến 5 người tử vong - trong đó có một người đang đi bộ dưới đường. Vụ việc buộc chính quyền thành phố đóng cửa bãi đáp trên nóc tòa nhà và bắt đầu áp đặt hàng loạt quy định hạn chế hoạt động của trực thăng trong khu vực dân cư đông đúc.
![]() |
Các mảnh vỡ của trực thăng rơi xuống mặt nước, gần bờ Jersey City, bang New Jersey. |
Dưới đây là một số vụ tai nạn trực thăng đáng chú ý tại Mỹ những năm qua:
Năm 2025: Sáu người thiệt mạng khi trực thăng rơi xuống sông Hudson, gần Manhattan.
Năm 2021: Một trực thăng hạ cánh cứng tại Manhattan, bị hư hỏng nặng. Không ai bị thương.
Năm 2019: Một trực thăng doanh nhân đâm vào nóc tòa nhà trong vùng cấm bay, khiến phi công tử nạn.
Năm 2018: Năm người thiệt mạng do chìm trong vụ tai nạn trực thăng "mở cửa" trên sông East River.
Năm 2009: Trực thăng du lịch va chạm với máy bay cá nhân trên sông Hudson, làm chín người thiệt mạng.
Năm 2005: Hai vụ rơi trực thăng xuống sông East River khiến nhiều hành khách bị thương, suýt chết đuối.
Năm 1986: Một phóng viên đài NBC thiệt mạng do trực thăng mất lực nâng, đâm vào hàng rào và lao xuống sông.
Năm 1983: Một vụ va chạm giữa thủy phi cơ và trực thăng cảnh sát khiến bốn người tử vong trên bầu trời Brooklyn.
Năm 1981: Một vụ không tặc chiếm trực thăng để giải cứu tù nhân tại nhà tù liên bang bất thành.
Danh sách kéo dài, phản ánh những hiểm họa tiềm ẩn khi loại hình bay này vẫn thường xuyên hoạt động trong không phận chật hẹp, đông đúc của thành phố New York. Mặc dù nhiều biện pháp an toàn đã được áp dụng, bao gồm việc hạn chế các khu vực bay và điều chỉnh hoạt động tại các bãi đáp, nhưng các vụ tai nạn vẫn tiếp tục xảy ra, đe dọa tính mạng hành khách lẫn người dân bên dưới.
Sau vụ tai nạn mới nhất, giới chức năng một lần nữa đang xem xét lại các quy định về hoạt động trực thăng tại khu vực đô thị, đặc biệt là các chuyến bay du lịch vốn ngày càng phổ biến nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro.