Theo báo cáo nghiên cứu được Bộ GD-ĐT kết hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc công bố hôm 20/12, thì bạo lực học đường là một trong những vấn đề nóng nhất của trường học phổ thông hiện nay.
Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, năm học 2012-2013, có khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau (khoảng 5 ngày/1 vụ). Cứ khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau, cứ khoảng 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau, trung bình 9 trường thì có học sinh đánh nhau.
Một kết quả nghiên cứu của Viện Y - Xã hội thực hiện năm 2014 trên 3.000 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Hà Nội cho thấy một thực trạng báo động hơn của bạo lực học đường: 80% học sinh cho biết từ trước đến nay đã bị bạo lực giới trong trường học ít nhất một lần; 71% học sinh bị bạo lực học đường trong vòng 6 tháng trước đó.
Trong đó, 73% học sinh bị bạo lực tinh thần (mắng chửi, đe dọa, bắt phạt, đặt điều, sỉ nhục…), 41% bạo lực thể chất và 19% bị bạo lực tình dục.
Đặc biệt, bạo lực học đường có xu hướng gia tăng về số lượng và mức độ trong học sinh nữa. Đa số những nữ sinh từng có hành vi bạo lực cho rằng bạo lực học đường là "bình thường" và "chấp nhận được".
Bạo lực không chỉ xảy ra giữa học sinh với học sinh mà còn xảy ra giữa giáo viên với học sinh khi thầy cô vẫn được coi là "cha mẹ" với quyền lực lớn, là trung tâm của trường học. Đôi khi có hành vi bạo lực ngược lại từ học sinh đối với thầy cô giáo.
73% học sinh bị bạo lực tinh thần (mắng chửi, đe dọa, bắt phạt, đặt điều, sỉ nhục…), 41% bạo lực thể chất và 19% bị bạo lực tình dục.
Chính vì thế, trường học không còn là nơi an toàn với nhiều học sinh. Báo cáo của Viện Y - Xã hội và Plan chỉ ra rằng, chỉ có 16% học sinh nữ và 19% học sinh nam cảm thấy luôn an toàn trong trường học.
Ngoài ra, các vấn đề bỏ học, các vấn đề tâm lý cũng ảnh hưởng rất lớn tới việc học tập và cuộc sống của học sinh.
Một khảo sát của Bộ GD-ĐT thực hiện tại một số trường phổ thông và đại học ở Hà Nội và Hải Dương cho thấy có tới 93,75% học sinh, sinh viên gặp phải những khó khăn, vướng mắc cần được chia sẻ trong học tập và cuộc sống hàng ngày, trong đó tỉ lệ học sinh phổ thông cao hơn sinh viên đại học.
Một khảo sát do nhóm nghiên cứu thực hiện báo cáo tại một trường trung học cơ sở tại TP. HCM cho thấy, có khoảng 10% trong số 3.300 học sinh của trường có bố mẹ ly hôn, ly thân hoặc đang có xung đột. Nhiều trường tư thục, tỉ lệ bố mẹ ly hôn, ly thân, không hạnh phúc chiếm tới 2/3 lớp học.
Bên cạnh đó, những vấn đề thiếu kiến thức, kỹ năng sống nhất là các vấn đề liên quan tới sức khỏe sinh sản hiện nay của học sinh đang trở nên báo động.
Theo thống kê của Tổng Cục dân số, năm 2015, có 5.500 vụ phá thai của vị thành niên trong số 28.000 ca phá thai được thống kê tại các cơ sở y tế công lập. Tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên là 2,2% các vụ phá thai.
Những vấn đề của học sinh trong nhà trường đang đặt ra vấn đề phải có những nhân viên công tác xã hội chuyên trách trong các nhà trường để hỗ trợ sinh viên cả về tâm lý, hướng nghiệp, sức khỏe, giới tính, công tác truyền thông, đào tạo phát triển kỹ năng sống, kỹ năng xã hội.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu cũng đã đề xuất 3 mô hình công tác xã hội học đường tại Việt Nam trong đó đưa nội dung công tác xã hội thành một bộ phận độc lập trực thuộc trường với cán bộ chuyên trách.
"Tình trạng bạo lực học đường hiện nay đang diễn ra hết sức phức tạp, chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt thường ngày mà các em ứng xử thiếu lòng nhân ái, trái với chuẩn mực đạo đức xã hội, truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa.