Báo động đỏ thu nhập ngoài lương

Báo động đỏ thu nhập ngoài lương
TP - Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, 79% số cán bộ, công chức (CBCC) có thu nhập ngoài lương là đáng báo động. Nếu vấn đề này không được kiểm soát sẽ dẫn đến tha hóa đội ngũ cán bộ, bộ máy chỉ vận hành khi có “dầu mỡ” bôi trơn của cá nhân hoặc nhóm lợi ích.

> 55% thu nhập ngoài lương đến từ tiền bồi dưỡng họp
> Công chức đua nhau 'làm thêm'

Ông Lê Như Tiến nói:

Đề tài khoa học “Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn” mà Thanh tra Chính phủ thực hiện là việc làm rất cần thiết, tuy rằng hơi muộn bởi lẽ phải thực hiện sớm hơn. Thậm chí, cần nghiên cứu đề tài này trước khi xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN). Con số 79% CBCC có thu nhập ngoài lương là báo động đỏ, là cảnh báo mạnh mẽ đối với thực trạng thu nhập của đội ngũ cán bộ ở hệ thống công quyền hiện nay.

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng, nếu điều tra kỹ thì số CBCC có thu nhập ngoài còn cao hơn. Bởi, thu nhập ngoài lương rất phong phú, đa dạng như: Tiền thưởng, tiền làm thêm, tiền khoán vượt thu, tiền bồi dưỡng, phong bì “bôi trơn”…

Bộ máy chỉ chạy khi có “bôi trơn”

Thu nhập ngoài lương trong nhiều trường hợp dẫn đến bộ máy bị méo mó. Ảnh: Hồng Vĩnh
Thu nhập ngoài lương trong nhiều trường hợp dẫn đến bộ máy bị méo mó. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Theo ông đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Nguyên nhân cơ bản là đồng lương của chúng ta không đủ để CBCC sống và tái tạo sức lao động, có một phần tích lũy để dự phòng lúc rủi ro. Nhiều năm cải cách mà tiền lương vẫn thấp là do tiền lương không phán ánh đúng giá trị sức lao động.

Nhiều lần tôi đã phát biểu trên diễn đàn QH là, phải kiên quyết tinh giản biên chế, sắp xếp đội ngũ CBCC đúng người, đúng việc.

Có cơ quan tôi được biết, 2- 3 loại công việc chỉ cần một người làm thì hiện nay một loại công việc lại 2- 3 người làm. Nhưng cái khó là giảm ai, ai giảm, thậm chí có người sử dụng lao động còn nói rất bi quan, mình chưa kịp giảm họ thì họ đã giảm mình rồi.

 “Nếu CBCC sống và làm giàu bằng thu nhập ngoài lương là chính như “phong bì lót tay, bôi trơn, lại quả” thì sẽ làm tha hóa cán bộ. Nhưng nguy hại hơn là bộ máy không được vận hành bằng pháp luật, mà chỉ chạy khi có “dầu mỡ bôi trơn” của nhóm lợi ích”.  

Ông Lê Như Tiến

Do không đủ sống từ lương nên CBCC phải tìm mọi cách cải thiện thêm thu nhập. Nhiều người gọi đây là hội chứng “tước đoạt để bù đắp”, nhất là đối với những CBCC có chức, có quyền, làm ở những vị trí mà quyết định, ý kiến của họ phát sinh quyền lợi như: quyết định dự án đầu tư, thu- chi ngân sách nhà nước, xuất nhập khẩu, đề bạt bổ nhiệm…Đối với những CBCC này thì thu nhập ngoài là khoản tiền không nhỏ.

Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy như thế nào, thưa ông?

Nó sẽ làm tha hóa đội ngũ CBCC, trách nhiệm công vụ giảm sút và trong nhiều trường hợp không được thực hiện. Những cán bộ này lĩnh lương để phục vụ người dân và doanh nghiệp, nhưng họ lại nhũng nhiễu để được phong bì “bôi trơn”.

Một chuyên viên mà có ô tô cả tỷ đồng, biệt thự trị giá hàng chục tỷ đồng, xài những đồ hàng hiệu đắt tiền thì đó là giàu lên bất chính. Bộ phận này giàu lên không phải bằng sức lao động, trí tuệ mà bằng việc lợi dụng vị trí công tác.

Một hệ lụy của thu nhập ngoài lương rất đáng lo ngại nữa là bộ máy nhà nước chỉ chạy chừng nào có “dầu mỡ”, tác động về lợi ích. Không có phong bì là cán bộ ngâm hồ sơ. Điều này giải thích tại sao có những văn bản nằm ở cơ quan nhà nước hàng tháng, thậm chí cả năm không được xem xét.

Ông có cho rằng, chúng ta đang trong vòng luẩn quẩn: Bộ máy cồng kềnh - lương thấp- CBCC sống bằng thu nhập ngoài- hiệu quả công vụ giảm sút?

Đúng vậy! Thu nhập ngoài lương trong nhiều trường hợp dẫn đến bộ máy bị méo mó do tác động của một hoặc nhóm lợi ích. Nền hành chính công không còn hoạt động vì lợi ích chung, mà vì lợi ích của một bộ phận nhỏ.

Tôi cho rằng, cái gốc vẫn phải là cải cách tiền lương đi liền với tinh gọn bộ máy. Không phải cán bộ sống được bằng lương thì sẽ triệt tiêu tham nhũng nhưng lương cao chắc chắn tham nhũng sẽ giảm đi rất nhiều.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ có những cán bộ đã giàu sụ nhưng lòng tham thì vô đáy. Lợi dụng vị trí của mình để thu nhập, tài sản của mình ngày càng lớn. Đối với những người này thì các cơ quan thanh tra, kiểm tra, tư pháp phải vào cuộc và xử lý nghiêm minh.

Thực tế hiện nay một số ngành đã có khoản dưỡng liêm như thanh tra, kiểm toán, nhưng không phải là loại bỏ được thu nhập ngoài lương?

Khoản tiền dưỡng liêm này chưa phải là tăng vượt trội để CBCC đảm bảo cuộc sống. Nhưng quan trọng hơn là phải có cơ chế kiểm soát. Gần đây đã phát hiện những vụ tham nhũng ngay trong cơ quan tư pháp, thanh tra như làm sai lệch vụ án, có hiện tượng “chạy” tội, “chạy” án.

Thực tế, nơi nào có quyền thì rất dễ dẫn đến lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để thâu tóm quyền lợi. Do vậy, càng có chức, có quyền càng phải có cơ chế giám sát, kiểm soát chặt chẽ.

Công khai tài sản để dân giám sát

Vậy theo ông để kiểm soát tài sản, thu nhập thì chúng ta cần những giải pháp nào?

Khi thảo luận về Luật Phòng Chống tham nhũng (PCTN), các đại biểu QH cũng phát biểu rất nhiều về nội dung này. Muốn PCTN tốt thì công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ là khâu rất quan trọng.

Nếu sử dụng cán bộ thông qua “chạy chức, chạy quyền” thì bộ máy sẽ bị tha hóa. Bởi, vận hành bộ máy chính là vận hành của từng con người trong bộ máy đó. Nếu con người bị tha hóa, biến chất thì guồng máy không thể hoạt động trơn tru, hiệu quả.

Ngoài ra, kê khai tài sản thu nhập cũng là một giải pháp quan trọng nhưng kê khai thì phải công khai.

Trong thời gian vừa qua chúng ta có kê khai nhưng lại chỉ lưu trong hồ sơ cán bộ. Nếu công khai bản kê khai tại cơ quan, nơi cư trú thì đó chính là tai mắt của nhân dân giám sát xem kê khai đúng, đủ chưa.

Báo chí vừa nêu thông tin một cán bộ cấp phòng của Hà Nội mà kê khai tài sản tăng thêm trong năm qua ước tính tới cả chục tỷ đồng. Tôi cứ suy nghĩ cấp phòng đã vậy còn cán bộ lãnh đạo cấp sở, cấp cao hơn thì bao nhiêu cũng chưa ai biết.

Điều này đã rung một tiếng chuông cảnh báo là thu nhập ngoài lương của một số CBCC là rất lớn. Nếu như hiện nay, một cán bộ cấp phòng với hệ số lương bình thường thì thu nhập cũng chỉ 4-5 triệu đồng/tháng. Vậy làm sao có tài sản, thu nhập tăng thêm tới cả chục tỷ đồng.

Chắc chắn cán bộ đó phải có thu nhập ngoài lương. Các cơ quan quản lý phải xem những thu nhập ngoài lương đó có từ nguồn nào. Luật PCTN đã quy định nghĩa vụ giải trình đối với tài sản bất minh. Nếu cán bộ không giải trình được thì phải có biện pháp xử lý.

Ông có đồng tình với đề xuất xây dựng luật về kiểm soát tài sản, thu nhập?

Từ đề tài nghiên cứu này tôi đồng tình sớm xây dựng Luật về kiểm soát tài sản, thu nhập. Từ đó mọi giao dịch của người có chức vụ, quyền hạn phải qua ngân hàng, không sử dụng tiền mặt.

Các quy định trong chi tiêu nội bộ của từng cơ quan phải rất rõ ràng. Phải có cơ chế tương đối độc lập theo dõi, giám sát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Tăng cường vai trò của cử tri, nhân dân, các tổ chức xã hội trong giám sát; vai trò của cơ quan thuế trong quản lý thu nhập…

Cảm ơn ông.

Gần đây đã phát hiện những vụ tham nhũng ngay trong cơ quan tư pháp, thanh tra như làm sai lệch vụ án, có hiện tượng “chạy” tội, “chạy” án.

 

Hà Nhân
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG