Ô nhiễm nghiêm trọng vào chiều tối
Tình trạng này xảy ra nhiều ngày qua, khi cứ chiều tối, chất lượng không khí ở vùng ven đô Hà Nội và các tỉnh lân cận lại ô nhiễm đột ngột, chẳng hạn như 19h ngày 7/6, điểm đo Xuân Ninh- Xuân Trường (Nam Định) không khí lên ngưỡng nguy hại với chỉ số đánh giá chất lượng không khí AQI lên tới 218, mức xấu (khuyến cáo tất cả mọi người nên hạn chế ở ngoài), ở Phủ Lý (Hà Nam) chỉ số AQI là 161 (chất lượng không khí kém), ở Bắc Ninh là 153 (chất lượng không khí kém). Trong khi đó, không khí khu vực nội đô Hà Nội lại tốt hơn nhiều.
Trước đó tối 3/6, chỉ số AQI ở điểm đo Sóc Sơn lên tới 160 (mức kém, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch nên hạn chế ra ngoài), chỉ số AQI ở điểm đo Ba Vì thậm chí còn lên 228- mức xấu (với khuyến cáo tất cả mọi người nên hạn chế ở ngoài). Đây cũng là điểm ô nhiễm nhất trong hơn 40 điểm đo ở Hà Nội thời điểm này.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng này là do vùng ven đô Hà Nội và các tỉnh lân cận đang mùa thu hoạch lúa. Tình trạng đốt rơm rạ vẫn tiếp diễn dẫn đến ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Nó cũng phù hợp với diễn biến chất lượng không khí khi thời gian ô nhiễm nhất thường vào chiều tối, thời gian bà con đốt rơm rạ nhiều.
Trên FB cá nhân, chuyên gia môi trường, facebooker Le Thanh Thuy kêu gọi “Hai tuần nay, chúng tôi, những nhà quản lý và yêu môi trường loay hoay với câu chuyện làm sao giữ cho những hình tròn kia đừng chuyển mầu đỏ, mầu tím khi chiều về bà con bắt đầu đốt rơm rạ. Đã có rất nhiều cảnh báo từ nhà chức trách trên văn bản, điện thoại, các đoàn kiểm tra xuống tận nơi nhưng vẫn chỉ là nhắc nhở khi luật pháp chưa đủ để răn đe, xử lý. Có ai hiểu xanh, đỏ, tím là gì không? Ở Seoul và Bangkok, người ta sẽ cho đóng ngay cửa trường học, đặt mức báo động khẩn, mọi người ngồi trong nhà khi AQI trên 100. Vậy chúng ta thì sao? Ngay bây giờ, đừng chần chờ nữa, tôi mong muốn mọi người hãy vì bản thân, hãy tự bảo vệ mình bằng cách HÀNH ĐỘNG”.
Chị Mai Linh ở Hai Bà Trưng, Hà Nội kể, chị vừa đáp chuyến bay từ Cần Thơ ra Hà Nội. Nhìn từ máy bay xuống thấy cảnh đốt rơm rạ mù mịt ở nhiều nơi.
Nguy cơ phát thải dioxin và nhiều chất gây ô nhiễm
TS Hoàng Dương Tùng chia sẻ, trước đây, tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng do đốt rơm rạ đã được ghi nhận song lúc đó chưa có mạng lưới quan trắc dày như hiện nay nên thông tin chỉ định tính. Nay ứng dụng quan trắc không khí PAMAir với hơn 50 điểm đo ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của việc đốt rơm rạ bằng những thông số cụ thể. Những con số đó cũng cho thấy có nhiều việc phải làm để cải thiện tình trạng này.
Tại Việt Nam, đốt rơm rạ được cho là góp phần gây ra hiện tượng sương mù quang hóa, một loại ô nhiễm không khí đặc biệt do sự tương tác giữa bức xạ tia cực tím của Mặt trời với khí thải từ động cơ xe máy, khí thải công nghiệp, khói từ cháy rừng, đốt rơm rạ theo mùa vụ.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, các nghiên cứu đã chỉ ra việc đốt rơm rạ có khả năng phát thải nhiều chất độc như Dioxin&Furan, các khí độc gây hiệu ứng nhà kính, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 - loại bụi được coi là tử thần trong không khí có khả năng gây ra nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch. Nhiều quốc gia đã cấm việc đốt ngoài trời, trong đó có rơm rạ như một giải pháp ngăn chặn ô nhiễm không khí.