Bão đi, cơ hàn ở lại

Bão đi, cơ hàn ở lại
TP - Bão lũ chỉ “ngang qua” vài giờ nhưng, nỗi đau mất mát cứ thế chà xát cả đời, gieo rắc cái nghèo lên người dân nơi tâm bão lũ Đại Lộc (Quảng Nam).

> Tìm thấy thi thể hai cô giáo bị lũ cuốn trôi
> Quảng Bình: Hai cô giáo bị lũ cuốn trôi

Bi kịch chất chồng

Rất vất vả mới vào được nhà chị Trần Thị Yên (thôn Thạch Bồ, xã Hoà Phong, Đà Nẵng). Đơn giản, ngôi nhà quá nghèo, mấy chục năm nay vẫn không có cửa ngõ. Muốn vào, phải lội qua mấy con nước.

Tiếng kèn đám ma ai oán trong chiều mưa ảm đạm. Mấy mẹ con chị Yên cạn khô nước mắt khóc chồng con. Bi kịch nối tiếp bi kịch khiến cả nhà xác xơ giờ đây nhìn đâu cũng thấy tang thương.

Chiều 15/10, bão chưa tan, gác bếp bị bay mái tôn, anh Nguyễn Quốc Linh, chồng chị Yên đã vội vàng leo lên sửa. Trượt chân, té xuống, đầu đập vào xi măng, anh chết ngay tại chỗ. Anh Linh là lao động chính trong nhà, nuôi người vợ tàn phế, 3 con nhỏ cùng bà mẹ già ung thư giai đoạn cuối. Nhà hai sào ruộng, làm quanh năm không đủ ăn, chị Yên ngày ngày phải đi xay cá thuê.

Thế rồi tháng trước, bất cẩn thế nào, máy cuốn cả cánh tay chị vào bánh cưa, mãi mới rứt ra được. Máu xối xả, không chết nhưng giờ đây chị như người tàn phế. Đứa con gái 16 tuổi, ngờ nghệch lớn lên. Tuổi dậy thì mà lơ ngơ như trẻ lên năm. Một đối tượng trong xã, tuổi đã tứ tuần là tác giả bào thai trong người cháu.

Phát hiện đã muộn, đành sinh ra. Đứa con thứ, 15 tuổi, học giỏi, mới đậu vào trường PTTH nhưng đành chia tay giấc mơ đèn sách bởi “nhà không gạo ăn, lấy chi mà học với chẳng hành”. Em bỏ học, lại đi trên con đường xay cá thuê của mẹ. Giờ đây, khi ba mất, em là lao động chính trong nhà, nuôi cả gia đình 4 thế hệ, cùng cực sống qua ngày trong ngôi nhà tạm bợ.

Bà mẹ già Đặng Thị Đợi ung thư giai đoạn cuối, khóc ngất đầu bạc tiễn đầu xanh. Bà khóc nấc, không nói nổi từ nào khi nhận món quà từ tay chị Nguyễn Thị Thanh Minh – Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Đà Nẵng. Bi kịch từ Hòa Phong lan sang Hòa Tiến.

Ông Trần Đình Thu ung thư giai đoạn cuối ra đi đúng 5 giờ sáng 15/10, khi cuồng phong thịnh nộ càn quét mà ra đi. Bi kịch ở chỗ, 11 giờ đêm hôm đó, bà Phan Thị Lựu vợ ông cũng trèo lên gác bếp, trượt gãy ngang chân. Nhà nghèo, bão quần quật, con cái lại chia nhau, người phát tang cha, người lên viện chăm sóc mẹ.

Chiều ở thôn Thanh Văn (xã Đại Cường, Đại Lộc, Quảng Nam), ảm đạm đám tang anh Nguyễn Văn Sĩ (37 tuổi). 12 ngày bị lũ bão số 10 cuốn trôi, thi thể anh Cường vừa được tìm thấy tại Cẩm Lệ (Đà Nẵng) và đem về quê an táng. Căn nhà quạnh buồn, chị Trần Thị Toán (35 tuổi), ôm 3 đứa con nhỏ khóc ngất. Tôn tốc mái chưa có người lợp, căn nhà bị lũ sau bão số 11 ngập đến ngang nửa, hư hại đồ đạc. Mất chồng, nhà tan hoang sau bão, chị Toán không biết nương tựa vào đâu. Tương lai thất học của ba đứa trẻ, lớn học lớp 7, nhỏ lớp 2, út mới 2 tuổi hiện rõ trước mắt.

Gượng mình trên đổ nát

Vợ chồng ông bà Nguyễn Thị Rang và Nguyễn Nghênh thẫn thờ bên căn nhà đổ nát hoang tàn. Ảnh: NGUYỄN THÀNH
Vợ chồng ông bà Nguyễn Thị Rang và Nguyễn Nghênh thẫn thờ bên căn nhà đổ nát hoang tàn. Ảnh: NGUYỄN THÀNH.
 

Hai ngày sau bão Nari đổ bộ, nhiều người dân xứ Quảng vẫn còn màn trời chiếu đất vì nhà cửa sập đổ. Người dân vùng bão quét qua, gượng mình đứng dậy trong khổ đau, cùng cực.

Con đường dẫn về xã Duy Thành và Duy Hải (Duy Xuyên, Quảng Nam) làng mạc điêu tàn, hàng chục nóc nhà trống trơn xiêu vẹo chờ sập đổ. Bà Lê Thị Hương (70 tuổi, thôn 3 xã Duy Thành) cùng con gái đang cố gắng thu lượm từng mảnh tôn, thanh gỗ vương vãi để dựng chòi ở tạm. Căn nhà bà Hương nằm ngay đường liên xã, chỉ trơ lại bộ khung, tất thảy vật dụng trong nhà bị bão cuốn mất.

 Theo ông Nguyễn Đức Tính, Phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, Quảng Nam trước bão toàn huyện sơ tán hơn 10.000 dân, nhưng chưa thấy cơn bão nào tàn phá ghê gớm như bão Nari. 

Quán hàng nước tài sản lớn nhất của mẹ con bà Hương tơi bời không còn gì đáng giá. Nuốt nước mắt, bà Hương động viên con gái cố gắng dựng nhà ở tạm rồi xoay xở tính tiếp. Bà Hương ngậm ngùi: “Bão qua dân làng nhà nào cũng trắng tay hết rồi, giờ chỉ mong sớm sửa sang lại nhà cửa để hai mẹ con sớm có chỗ trú mưa, trú nắng”.

Vợ chồng ông bà Nguyễn Thị Rang và Nguyễn Nghênh ở thôn Tây Sơn Đông xã Duy Hải hai ngày qua đội nắng dầm mưa cùng con gái và hai đứa cháu, vật lộn với đống đổ nát. Căn nhà của ông bà và con gái ở cùng đổ sập gần như toàn bộ. Hai ông bà đã ngoài 80 tuổi không ngờ cuối đời lâm vào cảnh khốn khó bần cùng vì bão.

Trường tiểu học Duy Hải, phân hiệu thôn Tây Sơn Đông gồm 3 phòng học, đều bị tốc mái, học sinh vẫn phải nghỉ học. Toàn bộ sách vở, vật dụng của học sinh trường bị ướt sạch. Tranh thủ trời nắng ráo, học sinh và giáo viên dọn sách vở ra phơi.

Cô giáo Lê Thị Huệ, giáo viên nhà trường cho biết, nhà cửa giáo viên vẫn còn ngổn ngang nhưng đành gác lại để dọn dẹp trường lớp, phơi sách vở cùng học sinh. Chỉ thương các em, sách vở ướt hết, không biết lấy gì để học. Cách đó không xa, 7 phòng học của trường mầm non Duy Hải và THCS Ngô Quyền cũng bị tốc mái, học sinh vẫn chưa thể đến trường.

Cả miền quê nghèo Đại Hòa (Đại Lộc, Quảng Nam) nham nhở, đường thôn chia cắt. Dòng sông đục ngầu, cuộn sóng vẫn hăm he vây hãm quanh làng, chỉ chực chờ hoà vào lũ dữ để ùa vào tàn phá. Căn nhà cấp 4 tan hoang của vợ chồng chị Nguyễn Thị Kiều Dung (thôn Lộc Bình, xã Đại Hòa), còn sót lại vài bức tường.

Tằn tiện lắm hai vợ chồng mới dựng được căn nhà nhỏ vài năm nay. Anh Huỳnh Văn Đản (42 tuổi), chồng chị Dung bàng hoàng kể, sáng 15/10, cả nhà đang gia cố, kèo chống trong nhà, bất ngờ gió thốc mạnh, cả bốn bức tường lay chuyển rồi đổ sập, mái tôn bay thốc. Anh chỉ kịp bồng bế hai con chạy thoát ra ngoài.

Vườn chuối chuẩn bị thu hoạch sau nhà vợ chồng anh Đản rộng bạt ngàn nay cũng bị san thành bình địa. Giọng chị Dung nghẹn lại: Trước bão có người đặt cọc 25 triệu/ha chuối rồi nhưng tôi chưa dám bán để chờ chuối to, được giá. Giờ 4 ha chuối nay mất trắng, mất đứt hơn 100 triệu đồng, thêm cái khoản nợ vài chục triệu đầu tư giống, công chăm bón. Mới thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo, gia đình Dung nguy cơ “hoàn nghèo” sau thiên tai.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.