Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn cho biết, do ảnh hưởng của bão, ở Hòn Dáu đã quan trắc được gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Văn Lý có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Ninh Bình đến Nghệ An và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 19 giờ ngày tối nay, tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực vùng núi Thanh Hóa-Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Áp thấp nhiệt đới sau đó tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.
Cơ quan dự báo khí tượng cảnh báo, toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật và lốc xoáy. Trên đất liền các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có khả năng cao xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Vùng ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Tĩnh có gió giật từ cấp 6-8. Ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Hải Phòng có khả năng nước dâng kết hợp với triều cường cao từ 3,0-4,5m.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, hôm nay (2/8), các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình còn có mưa to đến rất to (lượng mưa 50-150mm/24h, có nơi trên 150mm/24h). Từ nay đến ngày 5/8, Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 200-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt.
Trong ngày và đêm nay (2/8), ở Tây Nguyên và Nam Bộ (bao gồm cả huyện đảo Phú Quốc) còn có mưa vừa, có nơi mưa to và dông với lượng mưa phổ biến 50-100mm/24h. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Thủ đô Hà Nội từ nay đến ngày 5/8 có mưa, riêng ngày và đêm nay có mưa to với lượng mưa phổ biến 40-80mm/24h.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các hồ thủy lợi xuống cấp, đang nâng cấp, các thủy điện nhỏ có nguy cơ cao, các khu khai thác khoáng sản ở 3 vùng trọng tâm mưa cần rà soát và đánh giá hiện trạng các công trình, có phương án sẵn sàng ứng phó khi tình huống mưa rất to xảy ra.
Người dân ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, khu vực vùng núi miền Trung cần hết sức cảnh giác dông, lốc và gió giật mạnh ở rìa ngoài hoàn lưu bão, khi mưa lớn xảy ra sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
Người dân vùng đô thị ở các khu vực mưa lớn cần lưu ý tới hiện tượng ngập úng đô thị, vùng ven biển khu vực bão ảnh hưởng đề phòng sóng lớn và nước biển dâng, đặc biệt nếu bão đổ bộ vào thời điểm thủy triều cao, cụ thể là vào buổi chiều các ngày đầu tháng 8/2020.
Các tỉnh có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ gồm Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.