Khẩn trương ứng phó bão số 2 và chống dịch bệnh

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương không chủ quan, sẵn sàng phương án ứng phó với bão số 2, gắn với nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Bình Phương
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương không chủ quan, sẵn sàng phương án ứng phó với bão số 2, gắn với nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Bình Phương
TP - Ngày 1/8, tại cuộc họp khẩn ứng phó với bão số 2, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý các điạ phương không được chủ quan, cần sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm, chống bão gắn với công tác chống dịch COVID-19.  

Bão khó lường, gây mưa diện rộng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, ngày 1/8, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão-cơn bão số 2 trên biển Đông từ đầu năm 2020 đến nay. Khoảng 16 giờ ngày 1/8, bão trên đất liền phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển Thái Bình-Nghệ An khoảng 330 km về phía đông. Sức gió gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Ban kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 tới 130 km tính từ tâm bão.

Dự báo, bão số 2 sẽ đi theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20 km/h, đi vào vịnh Bắc Bộ. Đến khoảng 4 giờ sáng nay, bão nằm trên khu vực vùng biển các tỉnh Thái Bình-Nghệ An.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, từ các mô hình tính toán, cơn này xác suất cao nhất sẽ đi phía dưới đảo Hải Nam, vào Vịnh Bắc Bộ và đi vào khu vực Nam Đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hoá vào khoảng chiều 2/8. Lúc vào bờ gió bão sẽ mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Nói về hình thái khí tượng trên biển Đông, các chuyên gia khí tượng Việt Nam cũng cho biết, ngoài cơn bão số 2 đang hướng về nước ta thì ở khu vực phía Đông của Philippines còn tồn tại thêm một áp thấp nhiệt đới nữa. Sự tồn tại của áp thấp nhiệt đới này sẽ có tác động đến cường độ và hướng di chuyển của cơn bão số 2, khiến cho diễn biến về cường độ và đường đi của nó sẽ còn rất khó lường.

Cơ quan khí tượng Việt Nam cũng lưu ý, cơn bão số 2 sẽ gây mưa lớn ở diện rộng, trong đó trọng tâm mưa là từ Thanh Hoá đến Quảng Trị, với lượng mưa trung bình từ 200-400 mm. Đặc biệt, một số khu vực ở Nghệ An và Hà Tĩnh có thể 600-700 mm, lượng mưa tập trung ngày 1-2 và từ ngày 3/8 giảm dần. Do mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi mức đặc biệt cao Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Kết hợp phòng chống bão và dịch bệnh

Chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương, bộ ngành trong khu vực bị ảnh hưởng không được chủ quan, chủ động phương án, tập trung ứng phó, theo phương châm “4 tại chỗ”, gắn với phòng chống dịch COVID-19. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu kêu gọi toàn bộ 1.642 tàu khu vực nguy hiểm với trên 8000 lao động vào bờ trú tránh an toàn, có phương án bảo vệ các lồng bè, khu vực nuôi biển, lúc bão vào không để người ở lại chòi canh. Tập trung rà soát, sơ tán dân khu vực nguy hiểm, cửa sông, cửa biển, nhà ở không đảm bảo an toàn; đảm bảo an toàn cho khách du lịch nhất là ở Thanh Hoá, Nghệ An, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Ông Dũng cũng lưu ý, do mưa lớn nên nguy cơ lũ quét, sạt lở, đặc biệt là khu vực vùng núi Bắc, phía tây Nghệ An, Thanh Hoá, Hoà Bình, Sơn La… Kiểm tra, rà soát các khu vực hầm mỏ, khu vực khai thác khoáng sản, bãi thải, đặc biệt là các vị trí gần khu dân cư, đề phòng mưa lũ gây sập hầm, sạt lở đất.  “Cần sơ tán người dân khỏi khu vực nguy cơ cao xảy ra sự cố. Bởi lâu nay lũ quét, sạt lở gây thiệt hại về người rất lớn”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT, Công Thương, Xây dựng kiểm tra, rà soát về an toàn hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa, cả về thuỷ lợi, thuỷ điện, công trình xây dựng, nhất là sau khi xảy ra động đất và dư chấn liên tiếp gần đây. “Cần xử lý nghiêm những chủ hồ không tuân thủ vận hành an toàn, đặc biệt trong mùa mưa lũ”, Phó Thủ tướng nói.  Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ GTVT hướng dẫn an toàn tàu vận tải; bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị chủ động ứng phó với mưa lũ, đảm bảo an toàn trên các tuyến các tuyến giao thông.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đến cuối chiều 1/8, đã có 5 địa phương thực hiện lệnh cấm biển là Quảng Ninh (từ 0 giờ 2/8), Hải Phòng (từ 18 giờ ngày 1/8), Thái Bình (từ 15 giờ ngày 1/8), Nam Định (từ 6 giờ ngày 2/8), Ninh Bình (từ 18 giờ ngày 1/8). Vẫn còn 754 tàu cá ở khu vực nguy hiểm, giảm 888 tàu so với thời điểm sáng 1/8.

MỚI - NÓNG