Báo chí trên tuyến đầu

TP - Phải khẳng định ngay rằng, từ khi Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018, việc “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, đã có những chuyển biến hết sức tích cực, trong đó có báo chí.

Nói như vậy không có nghĩa rằng, trước nay công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch không được chú trọng. Vấn đề đáng chú ý nhất là trong bối cảnh mới, tình hình trong nước và thế giới nhiều biến động cần những sự biến đổi, thích ứng mới. Đặc biệt, trong bối cảnh hệ sinh thái truyền thông, nhất là truyền thông xã hội, có bước phát triển nhảy vọt, sự thay đổi mạnh mẽ cả về phương thức chuyển tải, cũng như cách tiếp cận công chúng cùng sự hỗn loạn, cạm bẫy trên môi trường số khiến báo chí buộc phải có những thay đổi phù hợp.

Báo chí trên tuyến đầu ảnh 1

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ khai mạc Hội báo toàn quốc năm 2022, ngày 13/4/2022. Ảnh: Hồ Như Ý

Trong thời đại bùng nổ thông tin, lan tràn ồ ạt, việc thông tin, nhất là trên mạng xã hội khó kiểm chứng, dễ gây những tác hại khôn lường. Báo chí cần thiết phải được đề cao, nhắc đến nhiều hơn, bởi chức năng, vai trò, nội dung phân tích, chứng minh, lý giải, định hướng, giúp công chúng không bị choáng ngợp, bội thực, nhầm lẫn, “lạc lối”, “chết chìm” trong biển thông tin tầng tầng lớp lớp hỗn độn, bừa bộn… Nổi bật trong đó là vai trò của nhóm thể loại báo chí chính luận, với những thể loại “đại bác”, có sức nặng, giàu tính phản biện, chiến đấu, phản bác.

Xin được nhắc lại rằng, nhóm thể loại báo chí chính luận đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, và ngay lập tức tạo được dấu ấn riêng, nhờ những đặc trưng về thể loại. Đó chính là việc lựa chọn đề tài, triển khai tác phẩm với các luận điểm, luận cứ, luận chứng xác đáng, thuyết phục, lý giải ngắn gọn, sâu sắc, rõ ràng, chính xác bản chất mà chủ đề bài báo đề cập. Đó là việc nêu quan điểm, chính kiến của người viết, cũng như tòa soạn về vấn đề nhiều người quan tâm tại thời điểm tác phẩm xuất hiện, cả những dự báo trong tương lai.

Thực tế, trên các trang nhất hầu hết các tờ báo chính trị - xã hội trên thế giới và ở Việt Nam đều có vị trí, diện tích trang trọng, xứng đáng dành cho thể loại chính luận. Đó chính là những tác phẩm báo chí có nội dung rõ ràng, logic, lập luận đúng đắn, chính xác, thuyết phục. Nghĩa là dùng lý lẽ, lập luận, biện giải để bảo vệ luận điểm, vấn đề đưa ra thuộc các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, riêng về lĩnh vực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, báo chí chưa phát huy hết chức năng, sức mạnh, vai trò của mình, nhất là việc đấu tranh bằng lý lẽ, lập luận.

Có thể điểm qua một số hạn chế sau. Thứ nhất, thông tin trên báo chí còn mỏng, yếu, trùng lắp, thiếu tính hệ thống, dài hơi, chủ yếu là phản bác tức thời, sự vụ, chi tiết, cụ thể, gượng ép; khẩu chiến, thậm chí đôi co… Thứ hai, công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận có mặt còn lạc hậu, bất cập, nhiều vấn đề mới chưa được luận giải kịp thời, khoa học, khiến công tác đấu tranh thiếu cơ sở, có lúc, có nơi lúng túng, hiệu quả thấp; chưa gắn thật chặt nghiên cứu lý luận với đấu tranh lý luận. Thứ ba, thông tin đấu tranh phản bác còn thiếu chiều sâu, chưa đủ đầy hệ thống luận cứ, luận chứng, lý lẽ có lớp lang, chặt chẽ, thuyết phục. Thứ tư, đội ngũ người viết, cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ này chưa nhiều, chưa tập trung, chưa được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ báo chí, cũng như những nội dung căn bản, thời sự, mới phát sinh. Thứ năm, mục tiêu đấu tranh, phản bác nhằm bẻ gãy, đập tan những luận điệu xuyên tạc, sai trái, chống phá từ gốc chưa đạt được, có khi còn gây phản tuyên truyền, khiến những thông tin xấu, độc có cơ hội phát tán rộng hơn, gây những hệ lụy khôn lường… Đó cũng chính là lý do mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao”.

Tín hiệu tích cực là trong vòng gần 4 năm trở lại đây, đã có sự chuyển biến khá căn bản, toàn diện về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nguyên nhân chính là ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW, về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết khẳng định, đây là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Chính vì vậy, báo chí cũng có sự quan tâm, chú ý đặc biệt đến công tác này. Nhiều cơ quan báo chí tăng cường hệ bài về lĩnh vực này, với các chuyên trang, chuyên mục cố định, thường kỳ. Nhiều cuộc thi báo chí có liên quan đến mảng đề tài này được tổ chức thường niên. Nhiều bài viết về mảng đề tài khô, khó, khổ này được vinh danh…

Báo chí cần tiếp tục chủ động, chú trọng nâng cao chất lượng hệ bài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh mới, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 35/NQ-TW, cũng chính là góp phần bảo vệ vững chắc sự tồn vong của Đảng, của chế độ!

Tin liên quan