“Ngày 17/7, sĩ quan chỉ huy của Trung đoàn Phòng không 156 được hướng dẫn triển khai một bài huấn luyện cho lực lượng mặt đất đóng gần Donetsk, trong đó có hoạt động triển khai quân, theo dõi và phá hủy các mục tiêu bằng tên lửa Buk-M1”, nguồn tin nói.
Người này nói thêm rằng, vụ phóng tên lửa thực tế là không có chủ định trước. Hai máy bay chiến đấu Sukhoi Su-25 đã trinh sát cuộc huấn luyện. Có khả năng, vào một số thời điểm, đường bay của chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines và chiếc Su-25 bị chồng lên nhau. Những lúc đó, dù bay ở độ cao khác nhau, hai máy bay này cũng chỉ hiện thành một điểm trong radar của hệ thống tên lửa. Hệ thống đã tự động chọn mục tiêu lớn hơn.
Chưa rõ vì sao vụ phóng tên lửa diễn ra và điều này vẫn đang được điều tra, vì các bài tập với tên lửa Buk đã bị cấm từ năm 2001, sau khi một máy bay chở khách Tu-154 của Nga đang trên đường từ Novosibirsk (Nga) tới Tel Aviv (Israel) bị quân đội Ukraine bắn rơi. Quân chính phủ Ukraine và phe ly khai đang cáo buộc nhau là thủ phạm bắn hạ MH17.
Nhóm 24 chuyên gia quốc tế vẫn đang điều tra vụ bắn rơi máy bay MH17. Úc và Hà Lan hôm qua cho biết sẽ đưa lực lượng đến bảo vệ cuộc điều tra tại hiện trường vụ máy bay rơi, trong khi thi thể các nạn nhân vẫn tiếp tục được chuyển về Hà Lan. Nhiệm vụ điều tra ai bắn rơi máy bay trở nên phức tạp hơn, sau khi Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk hôm qua tuyên bố từ chức vì liên minh cầm quyền tan vỡ. Chính phủ Ukraine thông báo đã bổ nhiệm ông Vladimir Groisman làm Thủ tướng tạm quyền. Sự sụp đổ của liên minh cầm quyền mở đường Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố một đợt bầu cử sớm được tổ chức trong vòng 30 ngày.
Thông báo gây sốc của Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk được đưa ra trong bối cảnh tình hình miền đông vẫn đang hỗn loạn. Hôm qua, Nga và Ukraine cáo buộc bên kia bắn đạn pháo cối sang lãnh thổ nước mình. Dù thỏa thuận ngừng bắn đã được cả quân nổi dậy và quân chính phủ Ukraine tuyên bố, nhưng vẫn có tiếng pháo nổ ở Donetsk, cách khu vực máy bay MH17 bị bắn rơi khoảng 60km.
EU trừng phạt lãnh đạo tình báo Nga
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến trừng phạt các quan chức đứng đầu ngành tình báo và an ninh của Nga, bằng biện pháp phong tỏa tài khoản và cấm bay, báo Anh The Telegraph đưa tin. Tuần sau, EU sẽ mở rộng đối tượng áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản và cấm bay đối với các chính trị gia hàng đầu và những người thân tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin, trước khi áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga trong thời gian tới.
Ông Alexander Bortnikov, Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang (tiền thân là KGB), và ông Mikhail Fradkov, Giám đốc Cơ quan Tình báo nước ngoài, sẽ bị đưa vào danh sách đen của EU. Danh sách còn có tên của Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga - ông Nicolai Patrushev và lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov được Mátxcơva ủng hộ, cùng 11 cá nhân và 18 tổ chức.
EU tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga với cáo buộc Mátxcơva không ngăn chặn “dòng chảy vũ khí, thiết bị và chiến binh qua biên giới” vào lãnh thổ Ukraine, sau khi chuyến bay mang số hiệu MH17 của Malaysia bị bắn rơi.
Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa cuộc điện đàm với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và cả hai cho rằng, “mọi bằng chứng cho thấy Nga vẫn vũ trang và tiếp tế cho lực lượng ly khai” ở đông Ukraine, nghĩa là “cộng đồng quốc tế cần áp dụng thêm biện pháp trừng phạt”, BBC đưa tin ngày 25/7.
Nga thông báo sẽ cấm nhập khẩu tất cả sản phẩm sữa từ Ukraine từ ngày 28/7, với lý do chúng có thể độc hại, hãng thông tấn Nga Itar-Tass đưa tin.
Không tin con mình thiệt mạng trong vụ MH17 bị bắn rơi và cũng không sợ hiểm nguy, ông bà Jerzy Dyczynski và Angela Rudhart-Dyczynski đã bay từ thành phố Perth (Úc) tới Kiev để tìm con gái 25 tuổi tên là Fatima Dyczynski.
Với dự định trở thành phi công, Fatima đã chuyển từ Đức sang Perth cùng bố mẹ cách đây 7 năm, sau đó sang Hà Lan học chương trình cử nhân kỹ thuật vũ trụ. Có mặt trên chuyến bay MH17, Dyczynski dự định về với bố mẹ trước khi quay lại học tiếp.