Báo chí bù đắp “khoảng trống” cho ĐBQH

Phóng viên báo chí tác nghiệp tại Quốc hội. Ảnh: Như Ý.
Phóng viên báo chí tác nghiệp tại Quốc hội. Ảnh: Như Ý.
TP - Trong hoạt động nghị trường, báo chí được coi là cầu nối thông tin giữa người dân với đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH). Thông qua kênh báo chí, cử tri có thêm điều kiện nhìn nhận, giám sát hoạt động của QH, các cơ quan của QH và của chính các ĐBQH.

Đối với các phóng viên nghị trường, bên cạnh phản ánh các hoạt động từ QH, điều quan trọng không kém là phải đem những vấn đề bức xúc dân sinh từ cuộc sống vào diễn đàn QH. Từ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, đến những vấn đề cơm ăn, áo mặc, học hành, chữa bệnh của người dân... đều được phản ánh đầy đủ, sinh động.

Trên thực tế, các ĐBQH thường lắng nghe bằng nhiều kênh, từ các văn bản pháp luật, văn bản của QH, của Chính phủ, từ các nhà khoa học, các chuyên gia, hay qua tiếp xúc cử tri. Bên cạnh đó không thể không kể đến một kênh quan trọng khác là báo chí. Lãng phí trong xây dựng trụ sở, xe công, thu phí BOT, chuyện án oan... đều được trao đổi, phản ánh đầy đủ trên báo. Đây chính là kênh quan trọng để ĐBQH nắm bắt thông tin và lên tiếng, qua đó giúp các cơ quan chức năng nhìn nhận, đưa ra các văn bản, quyết sách điều chỉnh cho phù hợp.

“Nếu từ hai phía gặp gỡ nhau, trao đổi với nhau với tinh thần cởi mở, chân thành, xây dựng vì cái chung thì tôi tin là ĐBQH cũng không sợ, không ngại báo chí và báo chí cũng ủng hộ hoạt động của QH cũng như của từng ĐBQH”. 

Ông Hồ Quang Lợi

Chính sự phản ánh hai chiều này đã làm cho không khí nghị trường thêm sinh động, mang hơi thở cuộc sống. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá, báo chí đã trở thành cầu nối giữa QH với người dân, giúp các ĐBQH lắng nghe được ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời, thông qua báo chí, cử tri có điều kiện nhìn nhận và giám sát hoạt động của QH, các cơ quan của QH và của chính các ĐBQH.  

Với báo chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Lê Như Tiến luôn quan niệm: “Cánh cửa phòng làm việc luôn mở với các nhà báo và với nhà báo, chỉ có thể hẹn chứ không thể từ chối”. Lý giải điều này, ông Lê Như Tiến nói: “Nếu như ĐBQH chỉ phát biểu trong hội trường mà không có báo chí thì chỉ nói cho 500 ĐBQH khác nghe. Nhưng nếu có sự tham gia của báo chí thì hàng vạn, hàng triệu người cùng được biết đến thông điệp mà ĐBQH muốn gửi tới”.

Theo ông Tiến, báo chí chính là kênh để mỗi ĐBQH bù đắp “khoảng trống” của mình, bởi mỗi ĐBQH dù giỏi đến đâu chăng nữa cũng chỉ có thể am hiểu, chuyên sâu ở một ngành, một lĩnh vực nào đó, không thể hiểu hết được mọi mặt xã hội… “Nếu không có những kênh thông tin như thế thì ĐBQH không thể khỏa lấp những lỗ hổng kiến thức của mình, hoàn thiện được chính mình”, ông Lê Như Tiến nhìn nhận.

“Có trung thực mới có cởi mở”

Báo chí không chỉ là cơ hội tốt để ĐBQH truyền thông điệp đến cử tri, đồng thời cũng là cơ hội để ĐBQH xây dựng hình ảnh của mình. Nhưng vì sao không ít ĐBQH, đặc biệt với những người lần đầu tham gia QH lại “ngại” tiếp xúc với báo chí?

Lý giải điều này, ông Lê Như Tiến cho rằng, trước tiên do bản thân ĐBQH chưa làm chủ được thông tin, kiến thức pháp luật và đôi khi cũng lo sợ kỹ năng giao tiếp với báo chí không chuẩn sẽ “gặp họa”, bởi người ta thường nói “bệnh thì tự miệng mà vào, họa thì tự miệng mà ra”. Do đó, nhiều ĐBQH trở nên e ngại và chỉ sợ báo chí nói sai ý của mình. Điều đó đòi hỏi nhà báo cần phản ánh chính xác, khách quan, trung thực những thông tin từ ĐBQH.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng, ĐBQH ngại tiếp xúc với báo chí do chưa coi báo chí như một phương tiện, vũ khí để làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, kỹ năng giao tiếp của một số ĐB trước QH và trước báo chí chưa thực sự tốt. “Đối với các nước trên thế giới, nếu anh không có khả năng giao tiếp với dân và phát biểu trước công chúng thì còn lâu nhân dân mới bầu. Cho nên, kỹ năng nói trước công chúng, giao tiếp xã hội, giao tiếp với báo chí là rất quan trọng”, ông Lợi nói.

Ông Hồ Quang Lợi cũng cho rằng, không phải tất cả các phóng viên báo chí viết về QH đều có kiến thức vững chắc về QH, về nhà nước. Khi đưa tin về hoạt động của QH, của ĐBQH vẫn có thể có cái nhìn chưa chính xác, thiếu khách quan, thiếu cân nhắc và thiếu tinh thần trách nhiệm...

“Nếu từ hai phía gặp gỡ nhau, trao đổi với nhau với tinh thần cởi mở, chân thành, xây dựng vì cái chung thì tôi tin là ĐBQH cũng không sợ, không ngại báo chí và báo chí cũng ủng hộ hoạt động của QH cũng như của từng ĐBQH”, ông Hồ Quang Lợi nói.

Để báo chí và ĐBQH không còn khoảng cách, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, muốn “làm bạn” với nhau trước tiên phải trung thực vì “có trung thực mới có cởi mở”.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.