Sinh viên ngại lý luận, đạo đức học
Ngày 8/6, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Đào tạo, bồi dưỡng báo chí – tuyền thông ở Việt Nam hiện nay”. Đề cập đến vấn đề đạo đức báo chí, Nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng biên tập báo Tiền Phong viện dẫn một bài viết ấn tượng về sự dấn thân của người làm báo, khi bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng đi tàu cá của ngư dân ra Trường Sa vào thời điểm Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép 981 ngoài biển Đông. Bên cạnh đó cũng còn rất nhiều người làm báo lăn lộn, tâm huyết với nghề, không ngại khó khăn, nguy hiểm, sẵn sàng dấn thân thực hiện các bài viết về điều tra nguy hiểm.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, ông Lê Xuân Sơn cũng thẳng thắn nhìn nhận, niềm tin từ các nhà quản lý, lãnh đạo, quan chức đến người dân với báo chí đã suy giảm rõ rệt. Sự lệch chuẩn về đạo đức báo chí đã trở nên phản cảm hơn rất nhiều. Có lãnh đạo một doanh nghiệp thậm chí còn không dám đến cơ quan vì thường xuyên có “nhà báo đứng trực ở cổng”; rồi một lãnh đạo tỉnh đã phải ngao ngán kể rằng, có những phóng viên còn rất trẻ, chỉ bằng tuổi con, cháu nhưng lại “hỏi như hỏi cung”... Trước thực trạng trên, nhà báo Lê Xuân Sơn cho rằng, ngay từ khâu đào tạo cần chú ý tới vấn đề này, thậm chí nên đưa giáo dục về đạo đức vào ngành báo như giáo dục y đức trong ngành y.
Cùng quan điểm, một số nhà báo cho rằng, giảng dạy về đạo đức báo chí cho sinh viên ngay từ khi ở giảng đường là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Những ví dụ điển hình như chuyện “cây chổi quét rau”, “cá bơi trong nước chết sau một phút”, hay một số nhà báo đang trở thành “đầu sai” của một nhóm người nào đó… có thể là những câu chuyện sinh động về đạo đức báo chí trong quá trình giảng dạy.
Trước đề xuất trên, PGS.TS Trương Ngọc Nam – Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, sinh viên thường thích học nhiều về kỹ năng nghề báo và rất sợ học lý luận hay đạo đức học. Việc sắp xếp các chương trình giảng dạy gặp nhiều khó khăn, nhưng theo ông Nam, cũng cần phải thống nhất định hướng và xây dựng chương trình làm sao cho phù hợp nhất.
Hướng tới một “nhà báo đa phương tiện”
Một trong những khó khăn rất lớn hiện nay, theo nhà báo Lê Xuân Sơn là sự chênh lệch về giới, khi phóng viên nam rất ít, còn nữ giới lại rất nhiều, kể cả sinh viên đi thực tập cũng như mới ra trường. Mặc dù lúc đầu nữ phóng viên rất năng động, nhưng khi đã lập gia đình rồi thì bị hạn chế rất nhiều. Đây là một khó khăn lớn trong tuyển dụng của các cơ quan báo chí. Để khắc phục tình trạng này, có ý kiến đề nghị thay đổi đầu vào, không chỉ tuyển khối C mà cần tuyển cả khối A, bởi tư duy của nhà báo trước hết là tư duy logic.
Đề cập đến chuyên môn nghiệp vụ, đại tá Đoàn Xuân Bộ - Phó Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân chỉ ra một xu hướng phát triển tất yếu là mô hình báo chí đa phương tiện. Để bắt nhịp được mô hình này, theo ông Bộ, ngay từ khâu đào tạo, sinh viên báo chí ra trường phải làm được tất cả các loại hình báo chí. Song một thực tế đáng lo ngại là sự hiểu biết toàn diện về văn hóa, chính trị của sinh viên báo chí còn nhiều vấn đề. “Tổng thống Mỹ sang Việt Nam, đọc thuộc nhiều truyện Kiều, còn sinh viên vừa ra trường giỏi lắm cũng chỉ thuộc vài ba câu nhưng cũng không chính xác”, ông Bộ nêu bất cập.
Nói về khó khăn thách thức của nghề báo, theo nhà báo Lê Xuân Sơn, bản thân các toà soạn báo hiện nay còn không theo kịp được sự biến đổi của thực tiễn khi báo in, truyền hình đã ít người xem, thay vào đó mạng xã hội gần như thu hút toàn bộ bạn đọc. “Buổi tối, các gia đình rất ít người xem ti vi và hầu hết đều tập trung vào chiếc điện thoại. Cơ quan truyền hình cũng đang rất lo lắng”, ông Lê Xuân Sơn cho hay.
PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng – Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Hội Nhà báo Việt Nam cũng cho rằng, dưới tác động của công nghệ thông tin, mạng xã hội đang phát triển, chưa bao giờ người dân tiếp cận thông tin đầy đủ, đa dạng như hiện nay. Các chính trị gia thế giới và Việt Nam đã và đang sử dụng mạng xã hội rất hiệu quả để kết nối thông tin trực tiếp đến người dân...
“Ngày càng nhiều cơ quan báo chí đòi hỏi các nhà báo phải trưởng thành, nhà báo đa phương tiện, đa kỹ năng, biết tất cả các kỹ năng tác nghiệp. Những năm tới chắc chắn báo chí Việt Nam sẽ thay đổi nên cần phải cấu trúc lại chương trình để đào tạo ra nguồn nhân lực hiệu quả cho các cơ quan truyền thông”, bà Hằng nói.