Theo báo cáo về tình hình thực hiện quy định về quản lý tiền lương từ năm 2016 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mức lương cơ bản tối đa của chủ tịch tập đoàn kinh tế là 36 triệu đồng/tháng.
Hệ số điều chỉnh tăng thêm gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nhưng tối đa từ 0,5 lên 1 lần mức lương cơ bản áp dụng đối với doanh nghiệp có quy mô lớn, hiệu quả cao. Như vậy, theo quy định, chủ tịch tập đoàn kinh tế có thể đạt mức lương cơ bản tối đa là 72 triệu đồng/tháng.
Các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, có lợi nhuận thực hiện vượt kế hoạch được hưởng thêm tiền lương theo nguyên tắc cứ tăng 1% lợi nhuận so với kế hoạch thì được bổ sung 1% tiền lương, nhưng tối đa không quá 20% tiền lương kế hoạch. Nếu đạt đủ điều kiện này, chủ tịch tập đoàn kinh tế có thể đạt mức lương tối đa là 86,4 triệu đồng/tháng.
Đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước, tiền lương của người quản lý tối đa có thể đạt 3,5 lần mức lương cơ bản (tương ứng với mức lương tối đa là 126 triệu đồng/tháng). Nếu làm ăn hiệu quả, có lợi nhuận thực hiện vượt kế hoạch, chủ tịch tập đoàn kinh tế có thể đạt mức lương tối đa là 151,2 triệu đồng/tháng.
So với vài năm trước, mức lương trên đã được cải thiện rất nhiều bởi giai đoạn 2013-2015, chủ tịch tập đoàn chỉ được nhận lương tối đa 54 triệu/tháng. Tuy nhiên, so với mặt bằng tiền lương trên thị trường hiện nay cho vị trí tương đương tại một số đơn vị, con số này chưa phải cao.
Đơn cử, lương của lãnh đạo Vinamilk bình quân mỗi tháng là trên 400 triệu đồng, tức mỗi năm thu về gần 5 tỷ đồng, chưa kể đến các khoản thưởng bằng cổ phiếu. Lương trung bình của 3 lãnh đạo trong Hội đồng quản trị FPT gồm ông Trương Gia Bình (Chủ tịch Hội đồng quản trị), ông Bùi Quang Ngọc (Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc) và ông Đỗ Cao Bảo (Ủy viên Hội đồng quản trị) là 250 triệu đồng/tháng, gấp 4-5 lần mức lương của các lãnh đạo tập đoàn nhà nước.
Trong khi đó, lãnh đạo nhiều tập đoàn nhà nước vẫn chưa thể đạt mức lương tối đa theo quy định. Cụ thể, năm 2015, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam nhận lương trung bình 52,2 triệu đồng/tháng. Ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc nhận trung bình 50,7 triệu đồng/tháng.
Tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các lãnh đạo chủ chốt như Tổng giám đốc Đặng Hoàng An, các Phó tổng giám đốc Đinh Quang Tri, Nguyễn Tấn Lộc, Nguyễn Cường Lâm đều có thu nhập khoảng 600 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 50 triệu đồng/tháng.
Bảng lương của chủ tịch tập đoàn, tổng giám đốc tổng công ty Nhà nước năm 2015 (Đơn vị: Triệu đồng/tháng). Đồ họa: Kiều Vui.
Chủ tịch Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Trần Mạnh Hùng cũng có thu nhập bình quân 600 triệu đồng/năm, trong khi Tổng giám đốc Phạm Đức Long là 575 triệu đồng.
Cũng trong năm qua, lương cơ bản của Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines là 33 triệu đồng/tháng và Tổng giám đốc Vietnam Airlines là 32 triệu đồng/tháng và nếu kinh doanh tốt thì có thể đạt hệ số 1,5 (tức là thực nhận khoảng gần 50 triệu đồng/tháng).
Ở Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), thu nhập bình quân 12 lãnh đạo cấp cao là 44,1 triệu đồng/tháng. Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) chi trả lương bình quân năm 2015 cho lãnh đạo ở mức 47,6 triệu đồng/tháng.
Còn tại Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2), trong năm 2015, thu nhập bình quân của viên chức quản lý là 29,64 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, 10 lãnh đạo Tổng công ty Lương thực Miền bắc (Vinafood 1) có thu nhập khoảng 40,7 triệu đồng/tháng.
Nổi bật hơn cả, năm 2015, 10 lãnh đạo tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nhận trung bình khoảng trên 1,4 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa thể cán mốc tối đa 151,2 triệu đồng/tháng (hơn 1,8 tỷ đồng/năm).
Duy chỉ có Viettel dù cùng là doanh nghiệp Nhà nước nhưng lại được trả lương theo cơ chế đặc thù riêng. Thu nhập bình quân nhân viên doanh nghiệp này năm 2015 đạt 25 triệu đồng/tháng. Mức lương cao nhất ở tập đoàn này là tổng giám đốc và khối chuyên gia.
Các chuyên gia giỏi (cả người Việt và người nước ngoài) cũng có thể được trả lương như Tổng giám đốc, không cần có chức vụ và không cần phải làm công việc quản lý.
Nếu đem so sánh, lương của CEO Vietnam Airlines thua xa nhiều vị trí nhân sự cấp trung và cấp cao ở các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (100 triệu đồng/tháng đến 195 triệu đồng/tháng).