Bảng giá đất, vì sao phải ban hành hằng năm thay vì 5 năm?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Quy định bảng giá đất hằng năm thay vì 5 năm; đề nghị đánh thuế luỹ tiến với nhà ở thứ hai... là những vấn đề lớn nhận được sự quan tâm, được Chính phủ giải trình về Luật Đất đai (sửa đổi).

Điểm đáng chú ý nhận được nhiều sự quan tâm trong lần sửa đổi này liên quan đến việc bỏ khung giá đất, và thời gian ban hành bảng giá đất hằng năm, 2 năm, hay 3 năm một lần.

Giải trình nội dung này, Chính phủ khẳng định, qua tổng kết, việc ban hành bảng giá đất 5 năm một lần và điều chỉnh khi có biến động 20% không đảm bảo giá đất phù hợp với giá thị trường.

Chính vì lý do này, bảng giá đất phải được ban hành hằng năm để phù hợp với nguyên tắc thị trường, tránh trường hợp giá đất không phản ánh đúng thị trường, dẫn đến thất thu ngân sách, khiếu kiện.

Bảng giá đất, vì sao phải ban hành hằng năm thay vì 5 năm? ảnh 1

Bảng giá đất ban hành hằng năm để phù hợp với nguyên tắc thị trường. (Ảnh minh hoạ)

Liên quan đến đề nghị áp dụng thuế lũy tiến với nhà, đất để hạn chế đầu cơ, Chính phủ cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung khoản thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng thêm đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng, sử dụng chậm tiến độ. Còn mức quy định cụ thể ra sao sẽ được cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội.

Lần sửa đổi này cũng được quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất để thực hiện những công trình công cộng; đồng thời quy định rõ trường hợp thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã tiến hành cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), sau đó, các cơ quan đã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân.

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của Nhân dân, Chính phủ đã tổng hợp, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Kết luận phiên họp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, các ý kiến nhất trí với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý. Đối với 10 nội dung có ý kiến khác nhau, đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, thực tiễn để hoàn thiện dự thảo luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trình Quốc hội xem xét và thảo luận.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo luật.

Phiên họp thứ 23, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, sau đó dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 5, dự kiến khai mạc vào ngày 22/5.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về kết quả thực hiện kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân và việc tiếp thu, giải trình ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cuối tháng 3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu cơ quan soạn thảo phải lắng nghe, xác định những vấn đề chưa được tiếp thu đầy đủ theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

MỚI - NÓNG