Bảng giá đất điều chỉnh tại TPHCM không tăng đột biến

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế xã hội chiều 8/8, ông Đào Quang Dương – Phó phòng kinh tế đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM (TNMT) cho biết: “Với bảng giá đất dự kiến điều chỉnh hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng tăng đột biến, nhưng tôi khẳng định, giá đất không tăng đột biến mà phù hợp với tình hình thực tế tại TPHCM”.

Theo dự thảo bảng giá đất do Sở TNMT trình UBND TPHCM, bảng giá đất mới sẽ áp dụng cho 4.565 tuyến đường, tăng 557 tuyến so với Quyết định 02/2020. Mức giá cao nhất là 810 triệu đồng/m2, thấp nhất là 3 triệu đồng/m2 , còn mức bình quân khoảng 111 triệu đồng/m2, gấp hơn 7 lần so với 4 năm trước.

Theo ông Dương, hiện nay Sở TNMT đang gửi bảng giá đất điều chỉnh để cùng với các sở, ngành hoàn chỉnh một bảng giá đất chỉn chu hơn trình các bước tiếp theo. Về giá đất được điều chỉnh theo quy định tại khoản 1, Điều 257 của Luật đất đai năm 2024 phù hợp với nguyên tắc đảm bảo hài hòa giữa nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư theo khoản 1 Điều 158 Luật đất đai năm 2024.

Bảng giá đất điều chỉnh tại TPHCM không tăng đột biến ảnh 1

Theo đại diện Sở TNMT dự thảo bảng giá đất điều chỉnh tại TPHCM là phù hợp với thực tế

Ông Dương cho rằng, xây dựng giá đất là phải bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, cũng như bảo đảm nguyên tắc hài hòa giữa nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Về tình hình thực hiện thủ tục đất đai sau 1 tuần Luật đất đai 2024 có hiệu lực, ông Dương cho biết qua nắm thông tin từ các chi nhánh văn phòng đất đai của 22 quận huyện và thành phố Thủ Đức cho thấy, các hoạt động về thủ tục đất đai vẫn diễn ra bình thường, không có đột biến.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian Luật đất đai năm 2024 có hiệu lực (ngày 1/8/2024) đến khi bảng giá đất mới được ban hành thì hầu hết các tỉnh, thành đang bị vướng về việc thu thuế đất. Hiện nay Sở TNMT đang phối hợp với các sở, ngành để dự thảo văn bản trình lãnh đạo thành phố báo cáo các cơ quan trung ương để xử lý khó khăn trên.

Đối với những trường hợp được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ông Dương cho biết việc này được thực hiện theo Điều 121 Luật đất đai 2024. Cụ thể, các trường hợp được chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép bao gồm: chuyển đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp; chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; chuyển các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung khi thực hiện dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn.

Chuyển đất phi nông nghiệp được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang loại đất phi nông nghiệp khác được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất; chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở; chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ.

Ngoài ra, khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều 121 thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng. Việc chuyển mục đích sử dụng đất không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 121 thì không phải xin phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

MỚI - NÓNG