Ban Tuyên giáo Trung ương (T.Ư) vừa ban hành Hướng dẫn thực hiện Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Theo Ban Tuyên giáo T.Ư, đạo đức là yếu tố cấu thành nền tảng tinh thần xã hội, gắn liền với hoạt động thực tiễn của con người, thể hiện qua những quy tắc ứng xử hợp với đạo lý, phong tục của cộng đồng, quốc gia dân tộc, tạo thành nét đẹp truyền thống văn hoá.
Đạo đức cách mạng mà Đảng ta xây dựng là đạo đức cộng sản, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát triển giá trị truyền thống quý báu của dân tộc và tinh hoa văn hoá đạo đức nhân loại.
"“Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là: Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”; “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất”", hướng dẫn của Ban Tuyên giáo T.Ư trích dẫn trong Hồ Chí Minh toàn tập.
Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội nghị quán triệt nội dung Quy định 144 của Bộ Chính trị ngày 9/7. Ảnh: Như Ý. |
Ban Tuyên giáo T.Ư nhấn mạnh, đối với cán bộ, đảng viên, đạo đức cách mạng là gốc, nền tảng. Chỉ khi cán bộ, đảng viên nhận thức và hành động đúng đắn, chuẩn xác các chuẩn mực đạo đức cách mạng mới tạo nên sự thống nhất cao, sức mạnh lớn của toàn Đảng, đẩy lùi những nhận thức sai trái, không đúng đắn, lệch chuẩn, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của Đảng; từ đó có ý chí, nhận thức và hành vi đạo đức cách mạng đúng đắn, trong sáng, tinh thần phụng sự, cống hiến vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân, vì sự tiến bộ của nhân loại.
“Chuẩn mực đạo đức cách mạng là những nguyên tắc, quy tắc mang tính mực thước, khuôn mẫu đánh giá, điều chỉnh hành vi của cán bộ, đảng viên, gắn với mục tiêu, lý tưởng cộng sản, mang nhiệm vụ chính trị của Đảng, tạo cơ sở để cán bộ, đảng viên tự giác học tập, phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày”, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo T.Ư nêu.
Hướng dẫn nêu cụ thể một số nội dung chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới theo Quy định 144 của Bộ Chính trị.
Đáng chú ý, về Quy định “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, hướng dẫn nêu:
Cần: tâm huyết, trách nhiệm, dấn thân, nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, có ý chí, quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Kiệm: quản lý, sử dụng tài sản công đúng mục đích, đúng quy định; tiết kiệm và hiệu quả; không xa hoa, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức và các nguồn lực vật chất khác của tập thể và cá nhân.
Liêm: trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Chính: trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh.
Chí công vô tư: nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để bị tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực. Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng. Thực hiện văn hoá từ chức khi không đủ khả năng, uy tín.
Về sáng tạo: Xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách. Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân.
Về đoàn kết: Luôn luôn giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, cơ quan, tổ chức và trong Nhân dân, trước hết là ở chi bộ, cơ quan, đơn vị công tác, khu dân cư; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện chia rẽ, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện.