Luật sư Lee Kyung-jae, đại diện của bà Choi Soon-sil, hôm qua gặp các phóng viên tại Seoul và thông báo bà về nước để các công tố viên thẩm vấn, và bà hứa sẽ hợp tác đầy đủ với các điều tra viên. Bà Choi rời khỏi châu Âu trên chuyến bay từ London để tránh bị báo chí săn đón ở Đức. Sau khi về nước, bà sẽ trình diện trước các công tố viên để chịu thẩm vấn, luật sư Lee thông báo. Con gái của bà Choi là Chung Yoo-ra không về nước cùng mẹ. Chung bị nghi ngờ được biệt đãi trái luật ở Đại học Ewha Womans, một trong những trường danh tiếng nhất Hàn Quốc.
“Bà ấy hối hận sâu sắc về việc đã khiến người dân nổi giận và thất vọng”, luật sư Lee Kyung-jae cho biết. Luật sư Lee từ chối bình luận về những cáo buộc chống lại thân chủ của mình. Dù không nắm vị trí nào trong chính phủ, bà Choi bị nghi ngờ can thiệp vào các công việc nhà nước bằng cách tận dụng quan hệ thân thiết qua nhiều thập kỷ với tổng thống, cũng như bòn rút tiền của hai tổ chức phi chính phủ, nơi các công ty địa phương được cho là đã bị ép quyên góp hàng chục tỷ won.
Lục soát nhà của các trợ lý tổng thống
Bà Choi trở về 1 ngày sau khi các công tố viên lục soát nhà của nhiều trợ lý tổng thống bị nghi ngờ liên quan vụ bê bối. Các công tố viên cũng định lục soát văn phòng của các trợ lý tổng thống nhưng bị Văn phòng Tổng thống ngăn lại vì cho rằng phải bảo vệ các bí mật nhà nước. Theo luật Hàn Quốc, Văn phòng Tổng thống là nơi lưu trữ những bí mật quân sự hàng đầu nên có quyền chặn các điều tra viên để bảo vệ thông tin mật. Thay vì để các điều tra viên trực tiếp lục soát, Văn phòng Tổng thống đã cung cấp các tài liệu được yêu cầu, hãng thông tấn Yonhap đưa tin hôm qua. Tuy nhiên, các công tố viên nói rằng, những tài liệu họ nhận được không đúng yêu cầu và không có ý nghĩa mấy.
Trong khi đó, tất cả các đảng chính trị thúc giục giới công tố tăng tốc điều tra, còn một số nghị sĩ chỉ trích việc không bắt bà Choi ngay lập tức. Nghị sĩ Choo Mi-ae thuộc đảng Dân chủ đối lập kêu gọi Văn phòng Tổng thống chấp nhận việc lục soát và yêu cầu các công tố viên bắt tạm giam bà Choi. Thống đốc Nam Kyung-pil của tỉnh Gyeonggi cũng lên tiếng đòi bắt bà Choi.
Trước đó, Tổng thống Park có bài phát biểu trên truyền hình quốc gia để xin lỗi trước những cáo buộc chống lại bà và người bạn tri kỷ. Bà Park cũng thừa nhận đã chuyển hàng chục bài phát biểu cho bà Choi trước khi chúng được đưa ra công chúng. Trong bài trả lời phỏng vấn với báo Hàn Quốc Segye Ilbo xuất bản tuần trước, bà Choi nói bà đã nhận được bản thảo các bài phát biểu của Tổng thống Park sau khi bà Park thắng cử, nhưng bà Choi phủ nhận thông tin bà được tiếp cận các tài liệu chính thức khác, tác động vào các công việc nhà nước, trục lợi
cá nhân.
Bà Choi là con gái một cố vấn quá cố của bà Park, ông Choi Tae-min – người đứng đầu một nhóm tôn giáo bị nghi ngờ và đã qua đời năm 1994. Bà Park được cho là đã chơi với gia đình bà Choi sau khi mẹ của bà, tức đệ nhất phu nhân Yook Young-soo, bị ám sát năm 1974. Bà Choi đã “giúp đỡ khi tôi trải qua thời kỳ khó khăn”, bà Park nói trong bài phát biểu ngắn trên truyền hình.
Biểu tình đòi tổng thống từ chức
Vụ bê bối lần này kéo tỉ lệ ủng hộ đối với bà Park xuống 17%, mức thấp nhất kể từ khi bà nhậm chức tháng 2/2013, hãng khảo sát Gallup Korea cho biết.
Đêm 29/10, hàng nghìn người dân Hàn Quốc xuống đường phố Seoul để đòi Tổng thống Park từ chức vì vụ bê bối. Nhiều người cho rằng, bà Park phản bội lòng tin của người dân và quản lý chính phủ yếu kém, và đã đánh mất sứ mệnh lãnh đạo đất nước. Sau khi xin lỗi, Tổng thống Park chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về vụ bê bối. Hôm qua, bà được cho là đã gặp riêng hàng chục lãnh đạo xã hội dân sự để hỏi ý kiến về cách giải quyết tình hình.
Tổng thống Park đang ở năm thứ 4 của nhiệm kỳ 5 năm, và cuộc khủng hoảng này đe dọa sẽ làm phức tạp quá trình ban hành chính sách trong năm còn lại của nhiệm kỳ. Các đảng đối lập yêu cầu phải điều tra toàn diện, nhưng chưa đưa ra khả năng phế truất bà.