Ngày 7/12, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh có văn bản phê bình ông Nguyễn Xuân Mến - Giám đốc Sở Y tế. Theo đó, ông Mến bị phê bình do chậm trễ trong việc chỉ đạo và thực hiện thẩm định, bổ sung hồ sơ để Sở Tài chính thẩm định, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để chi trả chế độ, chính sách đặc thù phòng, chống dịch COVID-19 của ngành Y tế trong năm 2021. Được biết, đây là lần thứ hai chỉ trong vòng một tháng, ông Nguyễn Xuân Mến bị Chủ tịch UBND tỉnh phê bình. Trước đó, ngày 11/11, ông Mến bị phê bình vì "ngâm" kinh phí mua vật tư y tế chống dịch.
Tối 7/12, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, đã có báo cáo gửi UBND thị xã về trường hợp ông Nguyễn Quốc Thịnh (SN 1994, quê phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn, nhân viên hợp đồng) tự ý bỏ nhiệm sở, không có lý do chính đáng. Theo đó, sáng 6/12, ông Thịnh có đi làm việc bình thường. Nhưng từ 13h chiều cùng ngày đến 17h ngày 7/12, ông Thịnh bất ngờ nghỉ làm không có lý do chính đáng. Lãnh đạo đơn vị cho biết, nếu đến 13h ngày 13/12 ông Thịnh không đi làm và không có lý do chính đáng sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường lệch Đông nên từ đêm nay (8/12) ở Bắc Bộ trời chuyển nhiều mây, có mưa vài nơi, riêng vùng đồng bằng và ven biển gần sáng và sáng 9/12 có mưa nhỏ rải rác. Khu vực Thanh Hóa đến Khánh Hòa kết hợp với hoạt động của trường gió Đông trên cao nên từ đêm nay (8/12) đến hết ngày 9/12, có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Từ ngày 9/12, Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời rét với nền nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến 13-16 độ, vùng núi cao dưới 10 độ; khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế 16-18 độ.
Ngày 7/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 13.840 ca nhiễm mới với 5 ca nhập cảnh và 13.835 trường hợp trong nước tại 59 tỉnh, thành, có 7.306 ca trong cộng đồng. Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.337.523 ca nhiễm. Trong ngày số bệnh nhân khỏi bệnh là 1.249 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 1.011.656 trường hợp. Từ 17h30 ngày 06/12 đến 17h30 ngày 07/12 ghi nhận 217 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 26.700 ca. (XEM CHI TIẾT)
Ngày 7/12, Hà Nội ghi nhận 600 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 202 trường hợp ở cộng đồng, 236 trường hợp ở khu cách ly và 162 trường hợp trong khu phong tỏa. 600 bệnh nhân được xác định phân bố tại 179 xã, phường, thị trấn thuộc 29/30 quận, huyện, nhiều nhất ở Đống Đa (168 ca). Cộng dồn trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021), Hà Nội ghi nhận 14.546 ca mắc COVID-19, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 5.604 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 8.942 ca. (XEM CHI TIẾT)
Ngày 7/12, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều bổ sung và nhắc lại tại TPHCM. Theo đó, từ ngày 10/12, TP.HCM sẽ bắt đầu tiêm liều bổ sung cho người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch. Các trường hợp nói trên phải tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày. Những người từ 50 tuổi trở lên được ưu tiên. Liều nhắc lại sẽ dành cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung ít nhất 6 tháng. (XEM CHI TIẾT)
Tối 7/12, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội có thông tin gửi báo chí về việc phát ngôn Hà Nội hoàn trả 2 lô vắc xin gia hạn sử dụng. Cụ thể, theo ông Cương, chiều 7/12/2021, tại phiên thảo luận tổ đại biểu của kỳ họp thứ ba Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đề cập về việc tiêm vắc xin cho trẻ em, do chưa nắm được đầy đủ thông tin nên ông Cương đã trao đổi về việc Hà Nội hoàn trả 2 lô vắc xin tăng hạn sử dụng. Theo ông Cương, việc đưa ra phát ngôn trên là chưa đúng thẩm quyền. (XEM CHI TIẾT)