Bàn tay nhạc trưởng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau những lúng túng, cho đến nay, việc lưu thông hàng hóa giữa 19 địa phương bị phong tỏa chống dịch theo Chỉ thị 16 tới TP HCM và các tỉnh khác phần nào đã được tháo gỡ. Vai trò “nhạc trưởng” của Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ bắt đầu phát huy tác dụng.

Tuy vậy, mọi thứ vẫn chưa thể thông suốt khi sữa bò của một số bà con miền Tây vẫn đổ bỏ, nông sản ở vài địa phương có nguy cơ chín rục trên cây. Trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân TPHCM vô cùng lớn, nhiều vựa rau lân cận TPHCM hoặc xa hơn như ở Đà Lạt (Lâm Đồng) tồn đọng. Rõ ràng, những “luồng xanh” vận tải hàng 19 địa phương và toàn quốc đang tắc.

Đã thế, một số trung tâm phân phối thực phẩm có dấu hiệu tăng giá bán. Ít ai biết, bình quân mỗi tháng, 19 tỉnh, thành phố cung ứng khoảng 94 nghìn tấn thịt lợn, hơn 8 nghìn tấn thịt bò và 455 triệu quả trứng gà, vịt. Ngay sản lượng rau năm nay dự kiến khoảng 10,7 triệu tấn. Đương nhiên, thiệt hại kinh tế không chỉ từ những con số hàng thiết yếu này.

Thực ra, Tổ công tác đặc biệt đã nhận diện vấn đề và bắt đầu triển khai các giải pháp. Bằng chứng là chợ đầu mối đã được mở tại những nơi đáp ứng an toàn phòng, chống dịch; các vùng đệm tập kết hàng tại cửa ngõ TPHCM được tính toán; phương tiện “luồng xanh” cũng được cấp Qr code; bản đồ các nơi cung cấp thực phẩm (nơi bị phong tỏa) lập sẵn…

Vấn đề đặt ra, phải làm sao để hàng hóa lưu thông nhanh hơn và đến tận tay người dân an toàn? Với 19 tỉnh thành, ít nhất có từng đó đầu mối liên lạc điều hành và chắc chắn mỗi nơi có một chính sách khác nhau. Việc của “nhạc trưởng” là điều phối, tháo gỡ ngay lập tức nếu địa phương nào cát cứ ngăn dịch và ngăn luôn cả sự liên thông.

Thực ra, đội ngũ vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp Việt hùng hậu và đa dạng, thừa sức đảm nhận khâu lưu thông hàng hóa đến tận hang cùng, ngõ hẻm. Các siêu thị nhỏ của nhiều doanh nghiệp lớn cũng len lỏi tới tận khu dân cư nhỏ. Thế nhưng, “giấy phép lưu thông” (kết quả xét nghiệm) cấp chưa thuận lợi (địa điểm, thời gian, giá cả…) và nhiều trạm gác ngay trong một địa phương hoặc các địa phương, khiến ách tắc lưu thông tại các cửa ngõ.

Chưa kể, việc trung chuyển của các tài xế đi nhiều nơi cũng gây nguy cơ cho chính họ và những người tiếp xúc, nhưng lại chưa được ưu tiên tiêm vắc xin. Sau mỗi hành trình, thậm chí tài xế có thể bị cách ly. Chi phí tăng cao, rủi ro lớn rõ ràng đang ngáng trở luồng xanh.

Dập dịch giai đoạn khốc liệt đã có bài học xử lý tình huống ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương. Khi đó, các khu công nghiệp đang độ sản xuất, nông sản vào mùa thu hoạch, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành, địa phương đã giúp khơi thông kinh tế, khu biệt vùng dịch hiệu quả.

Chuyện đang diễn ra tại 19 địa phương, Thủ đô cũng cần coi đó là bài học kinh nghiệm.

MỚI - NÓNG