Bán nhà ở công nhân: Quy định vẫn nhiêu khê, khó làm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chính sách bán nhà ở công nhân đang gây khó cho doanh nghiệp bất động sản vì ngâm vốn, thủ tục nhiêu khê phải làm chờ đợi rất mất thời gian. Người mua cũng đang có sự phân biệt trong vay vốn vì có đối tượng trong danh mục được mua, nhưng không được vay.

Mới đây, Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng phê duyệt đề án xây dựng hơn 1,8 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong giai đoạn 2021-2030.

Bộ Xây dựng đề xuất với Thủ tướng nghiên cứu sửa đổi Luật nhà ở, Luật đất đai, Luật đấu thầu, Luật thuế…, trong đó tập trung sửa đổi các cơ chế chính sách cho nhóm người thu nhập thấp, quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng chính sách.

Góp ý về đề án này, ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch Công ty Cổ phần Tư vấn dịch vụ thương mại Địa ốc Hoàng Quân - cho biết, Luật Nhà ở hiện nay không quy định rõ về nhà ở công nhân trong khi đây là loại hình lưu trú rất đặc biệt.

Ông Tuấn kiến nghị bỏ quy định nếu công nhân muốn mua nhà thì phải thường trú ở đó một năm mới được mua. "Một nhà máy phải mở ra thì công nhân họ mới về. Họ đã đăng ký lưu trú thì có quyền thuê, mua mà không cần phải đợi tới một năm", ông Tuấn nói.

Bán nhà ở công nhân: Quy định vẫn nhiêu khê, khó làm ảnh 1

Nhiều nhà ở công nhân gặp khó khi mua bán vì quy định đối tượng.

Ông Vương Quốc Toàn - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Lan Hưng - cho rằng nên gọi chung là nhà ở xã hội, không nên phân chia với nhà ở công nhân.

“Hiện nay các doanh nghiệp làm hàng nghìn căn nhà, mục đích chỉ là nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, nhưng bán nhà lại bán cho tất cả các đối tượng theo Nghị định 100. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị tới các cơ quan chức năng từ địa phương tới trung ương nhưng tới nay chưa được giải quyết”, ông Toàn cho biết.

Cũng theo ông Toàn, thủ tục mua bán nhà ở xã hội rất phức tạp. Theo đó, doanh nghiệp muốn bán nhà ở xã hội thì phải gửi danh sách về Sở Xây dựng kiểm tra. Khi Sở phản hồi lại, doanh nghiệp mới được ký hợp đồng mua bán.

"Như vậy sẽ rất mất thời gian và không biết bao giờ doanh nghiệp mới được bán nhà", ông Toàn bình luận và kiến nghị phải sửa quy định này, tức là cho doanh nghiệp ký hợp đồng và gửi danh sách hợp đồng lên Sở Xây dựng hậu kiểm tra.

Ông Toàn cho biết hiện có khoảng 1.800 hồ sơ thì kiểm tra đến bao giờ xong. Doanh nghiệp sẽ chậm thu hồi vốn, có khi đến 2-3 năm cũng không xong. Ông Toàn đề nghị để các doanh nghiệp được ký hợp đồng và tự chịu trách nhiệm.

Một vấn đề khác được ông Toàn nêu ra là chính sách vay vốn cho người mua nhà. Luật Nhà ở quy định, lao động tự do ở nông thôn không được vay vốn là mất công bằng, chính sách không đồng đều và đề nghị sửa phải cho tất cả các đối tượng đều được vay.

Miễn tiền sử dụng đất và cắt miễn cho nhà ở xã hội cũng là nỗi đau đầu với các chủ đầu tư. “Miễn là miễn chứ không bắt doanh nghiệp phải đi làm thủ tục để được miễn. Một hồ sơ làm 2 năm đưa vào không miễn được. Hồ sơ đưa về cục thuế không được ký. Tôi đề nghị sửa là miễn thuế là miễn chứ không bắt doanh nghiệp làm thủ tục”, ông Toàn gay gắt.

Ngoài ra, ông Toàn cũng cho rằng nên miễn phí bảo lãnh cho các chủ đầu tư nhà ở xã hội; đẩy nhanh quy trình phê duyệt nhà ở xã hội vì thực tế có những trường hợp nhiều năm không xong, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, trong khi nhiều người có nhu cầu tìm chỗ ở thì vẫn không mua được nhà.

MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.